181 trường học chờ đầu tư tiền tỷ để đạt chuẩn quốc gia

ANTD.VN - Việc đồng bộ hóa theo chuẩn quốc gia đối với các trường học ở Hà Nội đang được lãnh đạo thành phố và địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2017 nhưng việc thực hiện mục tiêu công nhận mới và công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội không hề đơn giản.  

181 trường học chờ đầu tư tiền tỷ để đạt chuẩn quốc gia ảnh 1Nhiều trường hết thời hạn công nhận đạt chuẩn đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí bù đắp các tiêu chí theo chuẩn quốc gia hiện hành

181 trường đến lượt công nhận lại 

Cuối năm 2017, toàn thành phố có 205 trường học các cấp đến thời điểm cần công nhận lại điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, đến ngày 5-10, thành phố mới quyết định công nhận lại 24 trường. Danh sách 181 trường còn lại đang xếp hàng với dự kiến khả năng tối đa là 115 trường hoàn thành thủ tục công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo.

Lãnh đạo UBND huyện Ba Vì cho biết, năm 2017, thành phố giao chỉ tiêu 3 trường nhưng huyện phấn đấu 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện đã có 2 trường đạt chuẩn, 6 trường đã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố phê duyệt, 1 trường còn lại đang hoàn thiện hồ sơ. Với việc công nhận lại, năm 2017, huyện chỉ có 2 trường nhưng lại gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí vì những trường chuẩn quốc gia của Hà Tây cũ cơ sở vật chất xuống cấp quá nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ về kinh phí thì việc công nhận lại sẽ rất khó khăn. Ba Vì đang lúng túng giữa việc ưu tiên đầu tư trường đạt chuẩn mới hay dành kinh phí để các trường đạt chuẩn cũ được công nhận lại.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, huyện này có 34/77 trường đạt chuẩn. Vấn đề khó khăn với huyện này là từ năm 2009 đến nay, có 13 trường chuẩn quốc gia cần công nhận lại. Riêng trong năm 2017, huyện phải đầu tư, sửa sang cho 7 trường để được công nhận đạt chuẩn lại nhưng kinh phí rất lớn. Đơn cử, trường Phù Lưu Tế thiếu tới 10 tỷ đồng để hoàn thiện thiết bị dạy học. Năm 2016, huyện dành hơn 10 tỷ đồng cho các trường cần đầu tư cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn lại nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Trường còn nợ hạng mục để được công nhận lại. Việc tìm nguồn phân bổ kinh phí cho 13 trường chuẩn quốc gia cần công nhận lại đang là bài toán khó cho lãnh đạo của huyện này.

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cũng cho rằng, việc đầu tư để các trường đạt chuẩn quốc gia cũ được công nhận lại là không khả thi nếu chỉ bổ sung kinh phí sửa chữa, nâng cấp. “Nhiều trường đạt chuẩn cũ hiện cơ sở vật chất còn không bằng trường học bình thường vì trước đây còn nợ tiêu chí. Những trường này xuống cấp nhiều, muốn đạt chuẩn phải đầu tư xây mới thì mới có thể công nhận đạt chuẩn” - lãnh đạo huyện này cho biết. 

Không chạy theo thành tích

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố có khoảng 600-700 trường cần công nhận lại. “Trước đây, công việc rà soát điều kiện đạt chuẩn quốc gia, báo cáo thành phố ra quyết định được giao cho quận, huyện nên có những nơi thiếu thực chất. Những trường tồn tại hơn 10 năm trước để công nhận lại sẽ gặp khó khăn lớn về kinh phí. Thành phố cần xác định những trường không được công nhận lại đến thời điểm này gần như phải đầu tư như mới. Nếu không thì phải gạt khỏi danh sách trường chuẩn quốc gia. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đến năm 2020 Hà Nội có 70% trường chuẩn quốc gia” - ông Lê Ngọc Quang cho biết. 

Trước phản ánh của các quận, huyện về khó khăn trong công nhận lại với những trường đạt chuẩn quốc gia cũ, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP phân tích: “Với kế hoạch công nhận đạt chuẩn lại 205 trường trong năm 2017, chỉ tiêu này khó hơn cả chỉ tiêu công nhận những trường mới đạt chuẩn. Tuy nhiên, thành phố vẫn yêu cầu Sở GD-ĐT thẩm tra đúng điều kiện đạt chuẩn thì mới công nhận lại. Dù như vậy sẽ không hoàn thành kế hoạch nhưng không thể vì chỉ tiêu mà làm không thực chất. Điều này cũng xuất phát từ việc đã cho nợ nhiều tiêu chí quá, nhiều huyện lại ít quan tâm trường công nhận lại, chỉ chạy theo chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn mới”. 

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu: “Với các trường công nhận lại, nếu đủ điều kiện thì công nhận. Đến thời điểm công nhận lại mà không đủ điều kiện thì phải đưa ra khỏi danh sách trường chuẩn quốc gia và công bố công khai để các quận, huyện quan tâm, đầu tư đúng mức đối với chỉ tiêu này”.