15 website chuyên lừa đảo xuất khẩu sang Na Uy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căn cứ trên tài liệu do cơ quan chức năng của Na Uy cung cấp, Bộ Công Thương công bố danh sách các website các đối tượng lừa đảo xuất khẩu sử dụng để doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng khi giao dịch.

Doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ đối tác trước khi tiến hành giao dịch

Theo Bộ Công Thương, tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài trong đó có đối tác Việt Nam liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo.

Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín nên nhiều đối tác khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã nhanh chóng giao kết, sợ lỡ cơ hội mà không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác...

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng của Na Uy đã nhận được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo xuất khẩu, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đến từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, phía Na Uy cho rằng, con số doanh nghiệp bị lừa đảo thực tế còn lớn hơn.

Một số website mà đối tượng lừa đảo đã sử dụng là: www.espevaerlaks.com; www.viemkcofisk.com; www.inkanorge.com; www.sunseaseafood.com; www.hansonfishingas.com; www.fjoksak.com; www.torsvagbruket.com; www.verager .pl; www.alincoas.com; www.langenesas.com; www.diamondshipping.org; www.norwegian-seafoodsupply.com; www.aschumsseafoodab.com; www.kjpedesen.com (Danish food exporter);

www.sjotrollhavbrukas.com.

Ngoài ra, một số dấu hiệu các đối tượng lừa đảo hay áp dụng là: muốn trao đổi qua Whatsapp hoặc Skype; Tài khoản thanh toán thuộc ngân hàng nằm ngoài Na Uy; Trao đổi qua thư điện tử không phải của các doanh nghiệp, bằng thư công cộng như gmail; Mã số thuế VAT trên website là 10 ký tự (các công ty Na Uy có mã số thuế 9 ký tự); Website của công ty có tên miền không kết thúc với đuôi .no; Website của công ty không có phiên bản tiếng Na Uy.

Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần xác minh cẩn thận về đối tác để việc hợp tác, giao dịch được đảm bảo hơn, tránh rủi ro.

Na Uy là một trong những đối tác thương mại lâu năm của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này đạt hàng triệu USD mỗi năm. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy gồm: hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, hóa chất, da giầy, máy móc công nghiệp, thiết bị điện tử, viễn thông.