15 năm vụ khủng bố 11-9: Tái sinh sau "ngày đen tối"

ANTD.VN - 15 năm sau ngày xảy ra vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, giờ đây khu vực hiện trường đổ nát do khủng bố đã thực sự tái sinh với vai trò là trung tâm tài chính quan trọng và biểu tượng cho sức sống bất diệt trước tội ác của chủ nghĩa khủng bố.

Hình ảnh Tòa Tháp đôi khi bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001

Ám ảnh chưa phai

15 năm đã trôi qua nhưng thế giới và người dân Mỹ không thể quên thời khắc nhóm không tặc lái hai máy bay lao thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York làm cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Đây là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đối với các nhân chứng, họ vẫn bị ám ảnh bởi ký ức về ngày đen tối 11-9-2001. Jack Gentul có lẽ không thể cảm nhận hết được sự đau khổ người vợ quá cố trước khi bà qua đời. Bà Alayne Gentul, mẹ của hai người con và là phó chủ tịch của một công ty đầu tư, ở tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới đã chạy lên tầng 97 để hỗ trợ sơ tán nhân viên sau khi tòa tháp phía bắc bị tấn công.

Trong những khoảnh khắc cuối cùng, bà gọi điện cho Jack nói rằng khói đã bao trùm căn phòng của bà và bà ấy sợ. “Em yêu, rồi sẽ ổn thôi”, ông Jack trấn an vợ. Người ta sau đó đã tìm thấy thi thể của Alayne ở phía bên kia đường. Bà được cho là đã nhảy từ tòa tháp xuống đất. “Bà ấy sống rất thực tế và có thể làm bất cứ điều gì để có thể tồn tại”, Jack giải thích bằng một giọng trầm buồn, “nhưng liệu có thể làm gì hơn trong tình huống như vậy?”.

Cũng trong buổi sáng định mệnh đó, nhân viên ngân hàng Richard Pecarello đứng ở văn phòng nhìn ra phía bên kia sông lúc chiếc máy bay thứ hai tấn công. Vợ chưa cưới Karen Juday của ông đang làm quản lý đầu tư trái phiếu tại Công ty Cantor Fitzgerald trong tòa tháp phía bắc.

Ông cố gắng gọi điện cho vợ nhưng không có ai trả lời. Nhiều ngày và nhiều tuần sau đó, khi xem các bức hình trên mạng Internet, ông tự hỏi liệu có phải cô ấy đã nhảy khỏi tòa nhà. Pecarello đã liên lạc với nhiếp ảnh gia Richard Drew của hãng AP, người đã chụp hình ảnh rất nhiều người nhảy từ tòa tháp, và đề nghị được xem tài liệu lưu trữ.

Ông tìm thấy một vài hình ảnh và tin rằng đó là Karen. “Cô ấy đã chọn nhảy xuống hơn là bị ngọn lửa thiêu rụi”, ông Pecarello nói. Cantor Fitzgerald đã trải qua mất mát lớn nhất trong lịch sử bất kỳ công ty nào trên thế giới khi mất đi 658 trong số 960 nhân viên, tức là 2/3 lực lượng lao động tại trụ sở ở New York trong ngày 11-9-2001. 

Thống kê không chính thức cho thấy khoảng 200 người đã chọn cách nhảy xuống đất, thi thể của họ đều biến dạng sau khi Tòa Tháp đôi sụp đổ.

Vươn lên từ đống tro tàn 

Vào năm 2006, trên nền đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới cũ, người ta khởi công xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới mới. Ngày 3-11-2014, Trung tâm Thương mại Thế giới mới ở quận Manhattan, thành phố NewYork đã chính thức đi vào hoạt động với điểm nhấn là tòa Trung tâm thương mại Một thế giới (One World Trade Center) cao 104 tầng.

Bên cạnh đó là Đài tưởng niệm 11-9, còn được gọi là “Phản ánh sự vắng mặt” với 2 thác nước lớn và 2 hồ vuông đánh dấu sự tồn tại trong quá khứ của Tòa Tháp đôi. Một bảo tàng cũng được mở cửa và trưng bày những hiện vật tưởng nhớ tới những nạn nhân trong vụ tấn công.

Sau 15 năm, Trung tâm Thương mại Một thế giới ở New York hiện nay không chỉ là trung tâm tài chính nhộn nhịp, mà còn là điểm thu hút lượng lớn khách du lịch. Một hệ thống giao thông lớn và cần thiết cũng được xây dựng ở đây.

Sự sống đã trở lại với khu vực cực nam của quận Manhattan, khi một báo cáo gần đây của trang USA Today cho thấy, vào ngày 11-9-2001, khoảng 20.000 cư dân sống ở khu cực nam quận Manhattan; trong những tháng sau đó, con số này giảm xuống còn khoảng 10.000 người. Hiện tại, dân số của khu vực là 70.000 và đang tăng lên”.

Ngày mai 11-9, lễ tưởng niệm lần thứ 15 sự kiện 11-9-2001 sẽ diễn ra để tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố năm đó. Trang Iohud.com của USA Today Network đã phỏng vấn một vài người dân ở New York nhân lễ tưởng niệm này.

“15 năm qua là một quá trình đưa Khu vực số không - nơi Tòa Tháp đôi từng tọa lạc -  trở lại với cuộc sống. 11-9 là một dấu mốc mà chúng tôi không thể quên”, anh Paul Curtin sống ở Croton-On-Hudson thuộc quận Westchester, New York cho biết. 

Thăm Đài tưởng niệm ở Lầu Năm góc

15 năm vụ khủng bố 11-9: Tái sinh sau "ngày đen tối" ảnh 2

Từ Washington DC, chúng tôi vượt qua sông Potomac để sang quận Arlington, Virginia, nơi đặt Đài tưởng niệm 184 nạn nhân thiệt mạng khi chiếc máy bay mang số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm góc trong vụ tấn công 11-9.

Đúng ngày 12-9-2002, một năm và một ngày sau vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld đã quyết định dành một phần đất ở phía Tây Nam Lầu Năm góc để xây dựng Đài tưởng niệm. Ở trung tâm khu tưởng niệm là một trụ đá granite hình ngũ giác, ghi danh 184 nạn nhân. Tên của các nạn nhân trên chiếc máy bay số hiệu 77 được đánh dấu bằng hình viên kim cương, còn tên những nạn nhân không xác định được thi thể có hình ngôi sao phía trước. 

Chỉ có 25 nạn nhân được chôn cất ở nơi này, song người ta vẫn làm đủ 184 tấm bia, sắp theo thứ tự tuổi tác, bắt đầu là bé Dana Falkenberg 3 tuổi và cuối cùng là ông John Yamnicky Sr, 71 tuổi. Trong số đó, chúng tôi tìm thấy một cái tên Việt - kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang.

Anh là người Việt Nam duy nhất thiệt mạng trong vụ tấn công, từng là sinh viên Đại học tổng hợp Maryland. Giống như những tấm bia ghi tên nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công, bia mộ Nguyễn Ngọc Khang được thiết kế để người đứng đọc tên sẽ nhìn về phía nam Lầu Năm góc, nơi chiếc máy bay lao vào. Còn với những tấm bia dành cho các nạn nhân bị khủng bố khống chế, người đến thăm viếng sẽ đứng nhìn thẳng về hướng chiếc máy bay lao xuống. 

Điều khiến chúng tôi ấn tượng khi đứng ở khu tưởng niệm là tính nhân văn trong thiết kế. Trên một diện tích không lớn, nhưng dường như mỗi nạn nhân và cả những người thân của họ khi đến đây đều cảm thấy có được không gian riêng. Quanh đây, hoa tường vy không quá cao, cành mềm nên các chùm hoa ngả hẳn xuống như gửi hương thơm đến người đã khuất thay cho lời an ủi.

Mỗi tấm bia giống như một băng ghế làm bằng thép không gỉ với hồ nước nhỏ bên dưới, nhờ đó mà ánh sáng vẫn được duy trì vào ban đêm khi phản chiếu xuống dòng nước chảy. Hàng ngày khi đến Lầu Năm góc, nhiều nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đi qua đây, dừng chân trong giây lát để cầu nguyện cho đồng nghiệp và cả những thường dân xấu số. Du khách khắp nơi trên thế giới khi đến Washington cũng thường ghé qua nơi này, để biết thêm rằng nước Mỹ luôn ghi nhớ, nhưng đã vượt qua nỗi ám ảnh khủng bố khủng khiếp đó thế nào.                                      

Văn Thuyết