15 năm tới, Hà Nội sẽ có 1.000 siêu thị

ANTĐ - Trước một số thông tin cho rằng quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại là bất hợp lý, chiều 23-9, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra các căn cứ lập quy hoạch này.

Bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 40% vào năm 2020

Nhu cầu bán lẻ tăng lên

Theo Quy hoạch bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự báo quy mô dân số của thành phố đạt khoảng 9,4 triệu người; Mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 7.500 USD/người; Năm 2030 đạt 17.000 USD/người/năm. Tổng mức bán lẻ đến năm 2020 đạt 45,6 tỷ USD, trong đó 40% là bán lẻ hiện đại.

Bên cạnh đó, đến năm 2020, có khoảng 20 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách, thành phố sẽ có 999 siêu thị và 64 trung tâm thương mại.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quy hoạch này do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan soạn thảo, lấy ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thành năm 2012. Bộ Công Thương đã có đánh giá: “Dự án quy hoạch được nghiên cứu xây dựng công phu, nghiêm túc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, về cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra”. 

Vừa xây dựng, vừa rà soát

Băn khoăn về quy hoạch trên, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình xây dựng siêu thị hoặc trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống không hiệu quả, điển hình như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… Bà Trần Thị Phương Lan thừa nhận, bên cạnh những chợ mới đã hoạt động tốt, còn một số chợ kết hợp công trình hỗn hợp hoạt động chưa hiệu quả. “Thấy hiệu quả không cao, Sở Công Thương đã kiểm tra, đánh giá và báo cáo chi tiết ngày 24-6-2014 về hiệu quả mô hình này với UBND TP, kiến nghị cho dừng triển khai mô hình này đối với các công trình chưa khởi công”.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, nguyên nhân khiến mô hình này hoạt động chưa hiệu quả một phần do công tác quản lý còn hạn chế. Tiểu thương kinh doanh phải mất phí cao, tính vào giá hàng hóa nên không hấp dẫn người mua.  Cùng với đó, lực lượng chức năng chưa giải quyết triệt để các chợ cóc, chợ tạm, tụ điểm mua bán nhỏ lẻ xung quanh chợ nên khó thu hút người bán, người mua vào chợ mới...

Về quỹ đất để thực hiện quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, có dự án sẽ được xây dựng trên quỹ đất mới phù hợp quy hoạch, có dự án sẽ phát triển trên nền chợ truyền thống. Hiện nay, khu đô thị mới nào cũng có trung tâm thương mại nằm ở tầng một của tòa nhà nên phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ sẽ không tốn diện tích. 

Đối với các huyện ngoại thành, TP sẽ vừa phát triển bán lẻ hiện đại, vừa phối hợp cải tạo chợ truyền thống, bởi nếu chỉ duy trì chợ truyền thống thì việc dữ trự hàng hóa khi trong mùa mưa bão, hay dịp lễ, Tết không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Siêu thị và trung tâm thương mại chủ yếu tập trung ở nội thành, ngoại thành rất ít. Nếu bão lũ chia cắt, tại các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai sẽ không có doanh nghiệp nào dự trữ đủ hàng hóa phục vụ 4 tại chỗ, mà phải chuyển hàng từ các vùng lân cận sang. Vì vậy, cần phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện đại tại đây”- bà Trần Thị Phương Lan nói.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 135 siêu thị và 28 trung tâm thương mại. Riêng giai đoạn 2012-2014, đã có 8 trung tâm thương mại và 25 siêu thị được đưa vào hoạt động.