Nhạc sĩ Trương Quý Hải:

12 năm cho "Trường ca người Việt Nam"

ANTĐ - Ngoài 50 tuổi, đi qua chặng đường gần 30 năm viết nhạc với không ít sáng tác để đời, Trương Quý Hải mới rón rén làm album đầu tay. Gọi là rón rén bởi vị nhạc sĩ tài hoa thổ lộ bao năm nay anh chỉ có thói quen cất bài hát trong ngăn kéo rồi thỉnh thoảng lôi ra hát cho bạn bè nghe chơi chứ chẳng bao giờ có ý định làm đĩa cho đến khi bị…  ép!

Xúc cảm từ những câu chuyện thật

Cũng vì là album đầu tiên nên Trương Quý Hải tự nhận mình hơi… tham, có bài hát về gia đình, đồng đội, về bạn bè, tình yêu và cả những sáng tác viết về Tổ quốc. Tên gọi “Bình yên đất trời” mà anh chọn đặt cho album là một tứ trong câu hát của bài “Hành trình lời ru” mà anh viết với đầy đủ cung bậc thương nhớ của một người con nơi viễn xứ với những ước nguyện thiêng liêng về mái ấm gia đình và quê hương đất nước. Kể cũng lạ, khi một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa bao giờ sống ở nước ngoài mà lại nghĩ nhiều về cảm xúc của những người xa xứ như vị nhạc sĩ này. Trương Quý Hải thổ lộ anh cảm nhận được thứ tình cảm rất đặc biệt khi gặp những người Việt Nam đang sinh sống xa quê hương. Có lẽ bởi vậy mà anh đã hoàn thành bài hát này ngay trong chuyến lưu diễn phục vụ cộng đồng người Việt tại Bắc Âu trong dịp Tết nhiều năm trước. 

Mỗi ca khúc được Trương Quý Hải đưa vào trong album đều gắn với một câu chuyện riêng với những cảm xúc rất thật. Như bài hát “Lời ru đêm hè” là anh viết tặng mẹ như một lời chuộc lỗi vì mình mà gia đình đã phải rời khỏi căn nhà trong ngôi biệt thự cổ gắn nhiều kỷ niệm. 

Hành trình khó khăn và đầy nước mắt

Có một tác phẩm cực kỳ đặc biệt trong album đầu tay của  Trương Quý Hải. Đó là bản trường ca dài 5 chương có tên gọi “Trường ca người Việt Nam”. Chương 1 của bản trường ca này được anh viết xong trong khoảng 1 tháng, nhưng phải mất tới gần 12 năm anh mới bắt tay vào viết các chương còn lại. Trương Quý Hải tâm sự, khi viết trường ca anh mới thấy không đơn giản, mà điều quan trọng là anh thiếu đủ thứ, từ vốn sống, tư liệu, cảm xúc đến đề tài. Đó là lý do anh quyết định tạm dừng sau khi viết xong chương 1 để kiếm tìm chắt lọc. Kết quả từ những chuyến đi là bản trường ca với âm hưởng giai điệu trải dài từ Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ đến đại ngàn Tây Nguyên và biển đảo. Nghĩ lại, Trương Quý Hải bảo đó là một cuộc hành trình khó khăn nhưng anh đã làm được. Và đặt bút viết chương nào, anh cũng khóc khi nghĩ đến hình ảnh những đoàn cảm tử quân năm xưa hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, đến hình ảnh của hùng binh Hoàng Sa lên đường và chuẩn bị cho sự hy sinh một cách rất đàng hoàng và đầy khí phách, đến hình ảnh vòng tay đoàn viên của người Việt khắp nơi trên thế giới, đến cuộc hành trình tới đích khải hoàn của toàn dân tộc, đến lời khẩn cầu đất trời chở che cho người dân nước Việt qua bao sóng gió thăng trầm…

Kỹ tính và “a-ma-tơ”

Trương Quý Hải rất kỹ tính, đặt bút viết bài hát nào, anh cũng nghĩ ngay tới người sẽ thể hiện sáng tác đó. Thế nên mới có chuyện vui rằng khi viết tác phẩm “Trường ca người Việt Nam”, anh từng giao phó cho ca sĩ Việt Hoàn hát một bản Rock dân ca Nam Trung bộ trong chương 2 nhưng sau nhiều buổi tập luyện, anh phải quay ra xin lỗi Việt Hoàn rằng “anh bị nhầm mất rồi” và “trả” Việt Hoàn lại hát chính ca trong chương 1. Trương Quý Hải gọi đó là “tai nạn” nghề nghiệp đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Khi viết bản trường ca này, anh chủ định viết chương 5 để nghệ sĩ Y Moan hát nhưng khi hoàn thành chương nhạc này cũng là lúc giọng ca đại ngàn đang lâm trọng bệnh nên anh đành tự mình thể hiện. 

Kỹ tính là thế nhưng Trương Quý Hải tự nhận anh cũng rất “a-ma-tơ” và kém tính toán chi li các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là tiền nong. Đó cũng là một trong những lý do anh ngại làm album vì không biết bắt đầu từ đâu, cân đo đong đếm thế nào. 

Trương Quý Hải chia sẻ anh định từ bây giờ mỗi năm sẽ cho ra một album, nhưng rồi lại thấy như thế thì liều quá, vậy là rút lại còn 2 năm “ra lò” một album. Nhưng có lẽ sẽ còn phải bị giục giã và thúc ép nhiều nữa, anh mới mạnh dạn làm và làm hối hả.