12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ: Không để dự án nào phá sản

ANTD.VN - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, bắt đầu thực hiện ngay trong năm 2017. Theo đó, đa số dự án sẽ hoạt động trở lại sau khi tái cơ cấu.

Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án giải quyết đối với tình trạng hoạt động kém hiệu quả của dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Phương án 1 là Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) chuyển nhượng hoặc thoái vốn tại công ty. Phương án 2 là tái cơ cấu Công ty nhiên liệu sinh học miền Trung. Nguồn tin của Báo ANTĐ cho biết trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi… Bộ Công Thương đã chọn đề xuất lựa chọn phương án 1. 

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, phương án 1 là tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu PVC. Phương án 2 là tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác. Phương án 3 là dừng triển khai dự án, cho phá sản Công ty. Phương án 4 là PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án. Tương tự, như dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bộ Công Thương đã lựa chọn phương án 4. Đây được coi là phương án có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế. 

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, sau khi cân nhắc 3 phương án giải quyết thua lỗ, Bộ Công Thương cũng đề xuất chọn phương án cho PVOil chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn khỏi dự án, thay vì tạm dừng nhà máy, đợi khi điều kiện thuận lợi sẽ hoạt động trở lại; hoặc cho thuê tài chính - bán tài sản.

Ngoài 3 dự án nêu trên, ngành dầu khí còn có 2 dự án khác cũng thua lỗ nghìn tỷ đồng là nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).  Trong số các kịch bản được đưa ra để chấm dứt tình trạng kém hiệu quả của 2 dự án này, có phương án cho dự án phá sản. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã quyết tâm để các dự án “hồi sinh” sau khi tái cơ cấu. 

Đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tập trung thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc theo các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả, sẽ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp, dự kiến sau năm 2018. Riêng dự án Đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư phải xử lý dứt điểm tranh chấp vướng mắc đối với hợp đồng EPC.

Với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, mặc dù chủ đầu tư đã xin gia hạn trả nợ và đề nghị được vay thêm vốn, nhưng Bộ Công Thương không chấp thuận và lựa chọn kịch bản là thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp với Tổng Công ty CP Thép Việt Nam và Hội đồng quản trị Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hoàn tất việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khỏi dự án theo đúng quy định của pháp luật, để bảo toàn một phần vốn góp Nhà nước tại dự án này. 

Đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai, phương án đưa ra là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án; tiến hành đàm phán để sửa đổi lại hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư và sản xuất kinh doanh của dự án để nâng cao hiệu quả; tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm.