11 năm sau thảm họa khủng bố 11-9: Chưa hết nỗi ám ảnh về an ninh

ANTĐ - Việc đại sứ Christopher Stevens và những người Mỹ khác thiệt mạng sau khi các tay súng Hồi giáo tấn công Lãnh sự quán Mỹ và một “Ngôi nhà an toàn” tại Benghazi diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ tưởng niệm 11 năm ngày bị khủng bố tấn công. 

Những kẻ tấn công là một phần của một đám đông hỗn tạp đổ lỗi cho Mỹ về bộ phim “Innocence of Muslims” (tạm dịch: Sự ngây thơ của người Hồi giáo) mà họ cho rằng xúc phạm Nhà tiên tri Muhammad được đăng tải trên Internet. Vụ tấn công này cho thấy việc tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden không đồng nghĩa với việc mạng lưới Al Qaeda bị suy yếu, nước Mỹ vẫn còn những nỗi ám ảnh về an ninh. 

Mối liên hệ với al-Qaeda?

Với người Hồi giáo, bất cứ một sự miêu tả  nào về Nhà Tiên tri đều là báng bổ. Cuộc tấn công lãnh sự quán Mỹ  ở Libya khiến người ta nhớ lại hồi năm 2005 một tờ báo Đan Mạch đăng 12 bức biếm họa Nhà tiên tri Muhammad đã châm ngòi một làn sóng bạo lực khắp thế giới Hồi giáo. Lần này, làn sóng biểu tình chống Mỹ của người Hồi giáo đã biến thành bạo lực và lan rộng sang nhiều nước. Hàng loạt lợi ích ngoại giao của Mỹ bị tấn công. Một cuộc tấn công khác xảy ra tại Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, với những người biểu tình đã tấn công và phóng hỏa sứ quán Mỹ, Quốc kỳ Mỹ ở tòa Đại sứ bị giật xuống và xé rách. 

Bạo lực ở Benghazi và Cairo lan sang các quốc gia Hồi giáo khác. Cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Tunisia và hàng trăm người tụ tập phía trước đại sứ quán Mỹ ở Sudan. Tại Morocco, hàng chục người biểu tình đốt cờ Mỹ và hô vang các khẩu hiệu gần lãnh sự quán Mỹ tại Casablanca. Hai ngày sau, hàng trăm người đã tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Sanaa Thủ đô của Yemen, chọc thủng hàng rào an ninh quanh sứ quán và châm lửa đốt một tòa nhà. Những người biểu tình nói họ không chấp nhận việc Nhà tiên tri của đạo Hồi bị phỉ báng, Washington Post đưa tin. 

Hãng AFP cho biết có khoảng 100 người biểu tình ở Dhaka, Thủ đô Bangladesh. Họ đốt cờ Mỹ và la to những khẩu hiệu như "Chúng ta không chấp nhận phỉ báng Nhà tiên tri Muhammad" hay "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Tại Tehran, những người biểu tình chống Mỹ tụ tập bên ngoài sứ quán Thụy Sĩ - đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran, CNN cho hay. Mỹ không có sứ quán ở Iran. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13-9 đã ra lệnh tăng cường an ninh tại những cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu tại thành phố miền tây Lybia, trùng hợp ngẫu nhiên với ngày kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Về vụ tấn công khiến Đại sứ Mỹ thiệt mạng tại Libya, Liên Hợp Quốc, NATO, tòa thánh Vatican và nhiều nước khác cũng lên án vụ tấn công của các phần tử cực đoan và chuyển lời chia buồn tới các nạn nhân. 

Các quan chức Chính phủ Mỹ cho rằng vụ tấn công ở Benghazi có thể đã được lên kế hoạch từ trước và có nhiều dấu hiệu cho thấy các thành viên của một nhóm chiến binh tự xưng là Ansar al Sharia (những người ủng hộ luật Hồi giáo) có thể có liên quan. 

Cũng theo các quan chức này, tin tức trong vùng cho thấy các thành viên của một nhánh Al Qaeda tại Bắc Phi - nhóm Hồi giáo Maghreb cũng có dính líu. Quân đội Mỹ điều hai tàu khu trục hải quân cùng một đội an ninh chống khủng bố thuộc quân đoàn thủy quân lục chiến tới Libya để bảo vệ an ninh sau vụ tấn công đẫm máu vào lãnh sự quán Mỹ. 

“Cái sảy nẩy cái ung”?

Vụ tấn công, theo truyền thông phương Tây, bắt nguồn từ một bộ phim do một thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất. Sam Bacile, người tự nhận đã làm ra bộ phim gây loạn Trung Đông mà trong đó phỉ báng Nhà tiên tri của đạo Hồi, trong cuộc điện thoại với phóng viên AP, cho hay ông ta sinh ra ở Israel, là biên kịch và đạo diễn của phim "Sự ngây thơ của người Hồi giáo" nói rằng: "Hồi giáo là một căn bệnh ung thư". Hiện nay những trích đoạn phim dài 13 phút đăng trên Youtube từ ngày 2-7, với tiếng Anh và cả Ả rập không xem được nữa do trong bối cảnh làn sóng bạo lực và biểu tình chống Mỹ đang lan rộng trong thế giới Arập, Google đã quyết định ngăn chặn truy cập vào bộ phim trên ở trang Youtube tại Ai Cập và Libya. 

Lý do phản đối bộ phim là có thật. Tuy theo lý giải của phương Tây, bộ phim chỉ là cái cớ cho việc châm ngòi bạo lực. Nhưng những vụ tấn công mới xảy ra có thể làm thay đổi thái độ của Mỹ với làn sóng cách mạng khắp thế giới Ả rập, vốn lật đổ các nhà lãnh đạo ở Ai Cập, Libya, Tunisia và đưa lực lượng Hồi giáo lên nắm quyền. Quan hệ đầy phức tạp giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo luôn trong tình trạng căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau. Tiếng là thúc đẩy dân chủ cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhưng kỳ thực các chính sách của Mỹ tại khu vực này mang lại nhiều bất ổn và bạo lực hơn là hòa bình, thịnh vượng. Chính giới truyền thông phương Tây cũng đã đánh giá cuộc chiến đang diễn ra tại Syria, tâm điểm khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay,  không phải vì dân chủ, mà chỉ đơn thuần là một chiến dịch phe phái nhằm "thanh trừng" các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo dòng Shi'ite đang bị phương Tây gán tội đàn áp những người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số. Cuộc xung đột ngày càng leo thang này đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordani, Iraq, Israel và có thể mở ra những cơ hội mà các nhóm khủng bố như al-Qaeda có thể khai thác.

Al-Qaeda đã lợi dụng chính những phần tử khủng bố được Mỹ và phương Tây cố công dựng lên ở Libya cách đây gần một năm để tấn công ngược trở lại lợi ích của Mỹ. Vụ Đại sứ Mỹ tại Libya bị sát hại là minh chứng mới nhất đồng thời cũng đã phơi bày một thực tế chua chát là "những tiến bộ dân chủ tại Libya" như phương Tây rêu rao lâu nay kỳ thực chỉ là ảo tưởng.

Trong diễn biến khác, Chính phủ các nước châu Á có đông người Hồi giáo đã phải tăng cường an ninh quanh các Đại sứ quán Mỹ. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã tạm hoãn chuyến công du Na Uy do lo ngại sẽ tái diễn vụ bạo động đốt kinh Koran hồi đầu năm 2012 làm 40 người thiệt mạng.

Báo Jakarta Post đưa tin Indonesia, đất nước có gần 240 triệu dân Hồi giáo đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn tất cả những truy cập theo dõi bộ phim bị xem là xúc phạm Hồi giáo nhằm tránh bạo động. Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Bangladesh cũng đã ban hành lệnh báo động cho các lực lượng an ninh được điều động đến canh giữ an ninh bên ngoài các tòa nhà ngoại giao của Mỹ ở nước mình. Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia yêu cầu công dân Mỹ không đến những nơi đông người cũng như các khu vực bất ổn trong ngày cầu nguyện thứ sáu (14-9).

Ảnh hưởng đến nội tình nước Mỹ

Vụ tấn công ở Libya đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc tranh cử Tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney, đối thủ của Tổng thống Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đã chỉ trích phản ứng của Tổng thống về vụ việc vừa qua. Mitt Romney nói, những gì xảy ra làm cho Obama trông yếu ớt khi người biểu tình tấn công các phái bộ Mỹ. 

Thế nhưng, uy tín của Mitt Romney đã bị sụt giảm nghiêm trọng khi tuyên bố: “Phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama là xin lỗi bọn giết người”. Ông Romney nói vậy để phản ứng việc Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập lên án bộ phim xúc phạm đạo Hồi. Tuy nhiên, ông đã nhầm lẫn bởi tuyên bố này được đưa ra trước khi các vụ tấn công nổ ra và ông Obama cũng không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào.

Đảng Dân chủ lập tức chỉ trích ông Romney là lợi dụng một bi kịch quốc gia hòng ghi điểm chính trị. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS, Tổng thống Obama chỉ trích ông Romney là “có xu hướng bắn trước rồi mới ngắm sau”. “Một trong những điều tôi học được khi làm Tổng thống là bạn không thể làm như vậy - ông Obama nhấn mạnh - Điều quan trọng là các phát biểu của bạn phải dựa trên sự thật”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sai lầm này có thể khiến cơ hội vào Nhà Trắng của ông Romney giảm đi đáng kể.