1001 kiểu lừa đảo mua bán online (4): Nỗi khổ của người làm "shipper"

ANTD.VN -Nhiều người nghĩ rằng shipper (người chuyển hàng) là là một nghề “ngon ăn” vì chẳng cần vốn, lại được trả ngay “tiền tươi thóc thật” sau mỗi lần ship. Thế nhưng thực tế nghề ship cũng nhiều lắm những gian nan và đủ loại rủi ro rình rập.

Đòi tiền ship, một shipper bị đánh gãy mũi

Vào chiều 22-7-2016, anh Nguyễn Văn Hạnh, 35 tuổi, shipper trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giao quần áo của một shop thời trang tới khách hàng trú tại khu chung cư Times City (phố Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai).

Khách hàng sau khi xem hàng, người đàn ông được cho là giám đốc của một công ty trên địa bàn quận Hoàng Mai không ưng ý đã không trả 30.000 đồng tiền phí vận chuyển cho anh Hạnh. Hai người có đôi co, sau đó khách hàng đấm anh Hạnh, đồng thời cầm chiếc vợt tennis đập túi bụi vào anh này. Hậu quả là anh Hạnh bị gẫy mũi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bưu điện.

Theo lời một nhân chứng kể lại, anh Hạnh không lấy được tiền phí nên nói với khách hàng: “Anh không trả tôi 30.000 đồng chứ gì! tôi cho anh đấy”. Vị khách nghe thấy liền hùng hổ xông ra nói: “B.M mà phải xin mày à?”, rồi cầm chiếc vợt tennis quật túi bụi vào anh Hạnh và đấm anh này đến chảy máu mũi.

Hình ảnh shipper bị đánh được chia sẻ dày đặc trên cộng đồng mạng.

Sự việc trên đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, đa số đều bệnh vực cho anh shipper đáng thương kia vì bị quỵt tiền.

Được biết món hàng mà anh Hạnh giao là 1 bộ quần áo thể thao hàng facke (hàng may nhái) có giá 180 nghìn đồng. Khi xem hàng thì vị khách trên chê chất lượng xấu, trả lại hàng nhưng lại không trả tiền ship.

Về việc này anh Bảo, chủ shop online trên chia sẻ: “Tôi không hề lừa khách là hàng xịn, mà tôi giao hàng nhái, tôi bán hàng fake, giá chỉ 180 nghìn/ bộ, thực ra chất lượng nó không đến nỗi nào, tôi vẫn bán cho nhiều khách. Nếu khách hàng không ưng có thể trả lại thoải mái “thuận mua vừa bán”, nhưng hãy trả tiền công cho shipper, cái này đã thỏa thuận với khách ngay từ đầu rồi. Làm gì có chuyện anh không mất công đi xem hàng, được phục vụ tận nơi không công như thế!”.

Anh Hạnh bị khách đánh gãy mũi.

Theo đó anh Nguyễn Hưng, ở Hà Nội, cũng đồng tình và nói: “Tiền nào của đó, 180 nghìn/bộ quần áo thì làm sao đòi hỏi là hàng hiệu được. Hàng hiệu làm gì có giá đó. Dù có sale 50 đến 70% cũng không có giá đó. Nếu muốn hàng xịn thì đến hãng mà mua”.

Đặt hàng xong… “chạy làng” trong im lặng

Nỗi lo bị quỵt tiền ship là đã đành, nhưng nỗi lo đặt hàng “ảo” còn khiến cho cả người bán hàng và shipper bức xúc không kém.

Bạn V.L, một “hotgirl” bán quần áo trên facebook, đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, từ ngày bán hàng trên facebook chị đã gặp rất nhiều khách hàng đặt hàng xong, cho số điện thoại và địa chỉ đàng hoàng nhưng khi ship hàng đến địa chỉ cho thì gọi điện lại không nghe máy, hoặc tắt máy, nhắn tin không trả lời.

Người bán hàng bức xúc vì khách đặt hàng rồi chuồn mất.

Chị L. không ngần ngại nói thẳng: “Đúng là khách hàng là thượng đế, người bán hàng luôn phải phục vụ tận tình, chu đáo để chiều lòng khách, không bị mất khách, nhưng đó là đối với những khách hàng mua bán nghiêm túc. Còn một số người không có tiền mua thì cũng đừng có đặt hàng cho “sang mồm” như thế, làm mất thời gian, công sức của chúng tôi. Với những người làm “shipper”, mùa đông còn đỡ, mùa hè ở Hà Nội nắng nóng như thế nào các bạn biết rồi đó, họ phải phơi mặt ra đường giữa trời nắng nóng để lấy 20 đến 25 nghìn đồng tiền ship/một đơn hàng, không may mất hàng còn bị đền, vất vả và khổ thân họ lắm”.

Cùng cảnh ngộ với chị V.L, bạn Hà Thu, chủ một shop bán túi xách thời trang trên mạng cũng cho biết, chị nhiều lần bị khách đặt hàng “ảo”, khi shipper đem hàng đến nơi yêu cầu thì gọi điện không nghe máy. Shipper thật thà nghĩ có thể do khách bận nên cứ ngồi ở khu vực hẹn giao hàng mấy tiếng đồng hồ gọi lại vẫn không nghe máy.

Chị Thu cho biết thêm, trước mỗi đơn hàng mình thường cẩn thận gọi điện check lại một lần nữa xem khách hàng có chắc chắn lấy hàng không, vậy mà vẫn không tránh khỏi những khách hàng như vậy.

Shipper... cũng bị lừa đảo như thường

Một chủ shop online tại Hà Nội có chia sẻ một đoạn thông tin cảnh giác như sau: Một khách nữ gọi điện thoại đến shop đặt mua 2 thùng Meijio, trị giá 4 triệu đồng/thùng, khách cho địa chỉ và số điện thoại rõ ràng. Khi shipper đưa hàng đến tận nơi, đó là 1 khu tập thể 5 tầng. Gọi điện thì khách xuất hiện và bảo shipper “không cần khóa xe đâu, em bê giúp chị 1 thùng lên tầng 5, chị bê 1 thùng”. Shipper đi trước, khách bê thùng theo sau. Lên đến tầng 5 đợi mãi không thấy khách lên. Linh cảm bị lừa, shipper chạy vội xuống tầng 1 thì không thấy ai, chiếc xe máy vẫn dựng đó vì trước khi bê hàng lên shipper đã khóa cổ, càng cẩn thận, nhưng đối tượng lừa đảo đã nhét thanh sắt vào để mở khóa nhưng không được nên bỏ đi và vẫn mắc thanh sắt ở đó.

Trong một câu chuyện khác, cách đây không lâu, người dân bắt gặp cảnh một thanh niên túm tóc đánh một cô gái giữa đường. Tìm hiểu thì được biết cô gái là chủ 1 shop online, bị chính shipper của mình đánh vì tội lừa đảo.

Cô gái bán hàng lừa đảo bị shiiper đánh tơi bời giữa đường.

Cô gái thuê nam thanh niên ship đơn hàng trị giá 2,4 triệu đồng, với 50 nghìn tiền công ship, nhưng nam thanh niên này phải ứng trước tiền hàng cho chủ shop. Tuy nhiên, khi đưa hàng đến địa chỉ shop đưa cho thì là khách hàng “ảo”. Không giao được hàng, không lấy được tiền công, nam thanh niên quay lại tìm cô gái đánh cho một trận rồi giao nộp cơ quan Công an nhờ xử lý.

Shipper – công việc tưởng chừng rất đơn giản ấy lại chứa đựng những nỗi nhọc nhằn do chính các “thượng đế” gây nên, và những rủi ro phải đối mặt mới những đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tiền hàng và tiền ship. Biết là nguy cơ rủi ro luôn rình rập nhưng những người làm nghề này cũng chỉ biết cảnh báo cho nhau biết mà cảnh giác hơn thôi.