1001 chiêu giết người bằng chất độc

ANTĐ - Giết người bằng chất độc có thể coi là một hành vi hết sức độc ác và tinh vi. Bởi thủ đoạn gây án của đối tượng luôn được nghiên cứu, tính toán và chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Vì vậy để phát hiện và đấu tranh với những loại tội phạm này, cơ quan điều tra phải mất rất nhiều công sức.

Nỗi đau từ bế tắc trong cuộc sống gia đình

Liên tiếp trong thời gian gần đây, dư luận cả nước bàng hoàng trước những vụ án đầu độc mà nạn nhân và thủ phạm đều là những người thân trong một gia đình. Ngày 11-7-2012, chị Lê Thị Hai (SN 1972) và con gái thứ hai là Vũ Thị Thúy (SN 1998) đều trú tại thôn 3 xã Quảng Minh - Quảng Xương - Thanh Hóa đã đến trụ sở công an xã báo cáo về việc bị người chồng bỏ thuốc độc vào thức ăn của mình.

Theo lời kể của cháu Thúy vì mẹ cháu thường xuyên đi bán hàng trên chợ xa về khuya nên hay ăn cơm muộn. Cháu nhiều lần nhìn thấy bố là Vũ Văn Xuân bỏ “thuốc lạ” vào thức ăn để phần cho mẹ rồi mới đi làm. Phát hiện thấy chuyện lạ này, cháu Thúy đều đổ phần cơm canh này đi nấu lại phần khác cho mẹ. Sau nhiều lần ra tay mà thấy vợ vẫn chưa bị trúng độc, ngày 11-7, Xuân tiếp tục cho độc vào một bát canh của vợ. Hành vi này của Xuân đã bị cháu Thúy lén rình qua khe cửa và phát hiện ra. Tối hôm đó, khi chị Hai đi làm về, cháu Thúy đã kể hết sự tình với mẹ và cùng lên công an tố cáo hành vi tàn độc của người cha. Theo xác minh của cơ quan điều tra, Vũ Văn Xuân đã từng đến cửa hàng thuốc trừ sâu trong làng mua 8 gói thuốc diệt cỏ và 4 gói thuốc chuột. Nguyên nhân của vụ việc được cho rằng xuất phát từ việc chị Hai đẻ 3 con gái nên Xuân muốn đầu độc vợ để lấy người khác.

Không được may mắn như chị Hai, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà một người mẹ đã nhẫn tâm bắt đứa con ruột của mình phải uống thuốc độc chết. Rạng sáng  6-6-2012, anh Nguyễn Trọng Trí đang ngủ tại nhà, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân thì nghe nhiều tiếng rên rỉ ở phòng sau. Chạy vào xem anh phát hiện vợ là Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1973) cùng con gái 3 tuổi là Nguyễn Hoàng Xuân Mai đang quằn quại kêu la. Cả hai mẹ con lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng các bác sĩ chỉ cứu được Linh còn bé Nguyễn Hoàng Xuân Mai đã không qua khỏi.

Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát đã thu được chai thuốc có dòng chữ cảnh báo “không được uống” cùng lá thư tuyệt mệnh của chị Linh. Nội dung bức thư này chủ yếu than phiền về những mâu thuẫn trong cuộc sống và gia đình. Qua điều tra, khám nghiệm tử thi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Xuân Mai là do một loại độc tố từ lọ thuốc xoa bóp. Trước đó không lâu, ngày 25-5-2012 do mâu thuẫn, ghen tuông với vợ, Lương Ngọc Quân (Biên Hòa, Đồng Nai) đã bỏ thuốc trừ sâu vào sữa cho con trai mới 18 tháng tuổi uống. Nguyên nhân xuất phát từ việc Quân nghi ngờ vợ ngoại tình nên gã đã nảy sinh ý định giết con để trả thù. Sau khi lấy thuốc trừ sâu pha với sữa rồi cho con trai uống, thấy cháu bé lên cơn co giật và hôn mê Quân đã bế con sang nhà ông bà nội ở gần đó đưa đến viện để cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Biết con trai đã chết, Quân dùng dao cắt đứt gân tay để tự tử nhưng được người nhà phát hiện kịp thời đưa vào viện cấp cứu. Ngay sau đó, Quân đã bị cơ quan công an khởi tố bắt tạm giam về tội giết người.

Mới đây nhất, ngày 2-8-2012, Công an huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã bàn giao đối tượng Đinh Tiên (24 tuổi ở Sơn Nham, Sơn Hà, Quảng Ngãi) cho Công an tỉnh Quảng Ngãi vì hành vi bỏ thuốc diệt cỏ vào thùng nước sinh hoạt với ý đồ giết cả gia đình nhà vợ. Sự việc bắt đầu từ mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa Tiên và mẹ vợ liên quan đến việc sử dụng điện. Chiều 30-7-2012, sau khi uống rượu say Tiên đã lấy gói thuốc diệt cỏ trọng lượng 20g lẻn sang nhà mẹ vợ bỏ vào thùng nước sinh hoạt gia đình. Tối cùng ngày em vợ Tiên sau khi đi dự đám cưới về đã dùng ca múc nước trong thùng để uống và bị ngộ độc nặng. Tuy nhiên do được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã may mắn qua khỏi.

Thủ đoạn cướp tài sản và giải quyết mâu thuẫn

Trong các vụ đầu độc thời gian trước đây nếu như hung thủ sử dụng các loại kim loại mạnh như asen, thủy ngân để gây cái chết cho nạn nhân trong một thời gian dài, thì hiện nay loại chất được sử dụng chủ yếu thường là thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ trộn vào thức ăn, đồ uống… Tinh vi hơn, một đối tượng còn sử dụng cả chất độc xyanua. Ngộ độc cấp xyanua xảy ra rất nhanh chóng do trung tâm hành tủy bị tê liệt, nạn nhân bị bất tỉnh và ngừng tim chỉ sau từ 1 đến 2 phút. Đây là loại chất cực độc thường được mua bán trôi nổi trên thị trường, nhất là ở những nơi có nghề đào đãi vàng vì nó có tác dụng cô vàng.

 Dư luận hẳn vẫn chưa quên cái Lê Thanh Vân (SN 1956 ở quận 10, TP Hồ Chí Minh) người được mệnh danh “phù thủy xyanua”. Với thủ đoạn lân la làm quen, tạo tình cảm, uy tín, nhận làm con nuôi, người thân sau đó rủ rê nạn nhân đi ăn, uống rồi pha chất độc vào thức ăn, thức uống để đầu độc, trong khoảng thời gian hơn 3 năm từ tháng 1-1998 đến tháng 8-2001 Vân đã dùng chất độc xyanua để đầu độc giết chết 13 người và chiếm đoạt gần 242 triệu đồng của các nạn nhân. Với tội ác của mình Lê Thanh Vân đã bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt tử hình về các tội: giết người, cướp tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc.

Trong vụ đối tượng Nguyễn Thị Chinh (SN 1968) trú tại phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do mâu thuẫn trong chia thừa kế tài sản, tháng 7-2010, Chinh đã nhờ người tình cũ là Dương Quang Thái thuê một nhóm đối tượng với giá 100 triệu đồng đầu độc con riêng của chồng là anh Nguyễn Văn Nhường (34 tuổi, cán bộ pháp chế của một ngân hàng).

Các đối tượng được Nguyễn Thị Chinh thuê đã theo dõi bắt cóc anh Nhường đưa lên ô tô. Trên đường đưa anh Nhường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, các đối tượng đã ép anh phải uống chất độc xyanua rồi vứt xác anh Nhường xuống vệ đường ở dốc dây diều thuộc huyện Sóc Sơn - Hà Nội. Trước đó, khoảng thời gian đầu tháng 8-2009, gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp và chị Nguyễn Thị Phương (trú tại xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) bất ngờ phát hiện có chất lạ trong thức ăn và nước uống của gia đình. Nghi ngờ có kẻ xấu rắp tâm đầu độc nhà mình, vợ chồng chị Phương đã cài hệ thống camera giám sát ở một số khu vực trong nhà và bếp. Sau đó không lâu, qua màn hình camera, gia đình chị Phương đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Nghiêm lẻn vào khu  nhà bếp của gia đình bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn. Kết quả giám định cho thấy, những mẫu vật thu giữ đều bị tẩm thuốc diệt chuột loại nhôm Phosphide. Đây là chất độc thuộc nhóm I, rất nguy hiểm đối với người. Hành vi của Nghiêm đã bị bắt quả tang và giao cho cơ quan công an. Tại đây Nghiêm khai nhận do nợ tiền gia đình vợ chồng chị Phương, vì nhiều lần bị thúc ép và đòi tiền nên Nghiêm đã nghĩ ra cách đầu độc cả gia đình chị Phương để trốn nợ.

Bài toán khó cho cơ quan điều tra

Trong những vụ án đầu độc người thân, phần lớn các đối tượng gây án đều do thiếu hiểu biết pháp luật cũng như vì quá bức bách, bế tắc trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Các đối tượng thường bột phát, do tức khí nóng nảy nhất thời dẫn đến hành vi phạm tội.  Song hậu quả gây ra lại rất lớn, có thể làm chết nhiều người, thậm chí các đối tượng sau khi gây án cũng tự tử. Đối với các vụ án này, hành tung đối tượng gây án tương đối rõ nên cũng không khó khăn lắm cho công tác điều tra truy bắt tội phạm. Song với những vụ án đối tượng âm mưu dùng thuốc độc để cướp tài sản hoặc để thanh toán lẫn nhau thì công tác điều tra phá án lại gặp muôn vàn khó khăn.

Để điều tra một vụ án sử dụng độc chất để giết người luôn là một bài toán khó với cơ quan điều tra bởi hung thủ trong những vụ án này thường tính toán một cách kỹ càng với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Để chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng, yêu cầu đặt ra với cơ quan điều tra là phải tìm ra được dấu vết của chất độc mà đối tượng đã sử dụng. Theo Trung tá Đinh Gia Quyết, đội trưởng Đội Giám định hóa học - Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, có những vụ án mẫu vật có chứa độc chất mà hung thủ để lại ở hiện trường không nhiều nếu như điều tra viên không biết cách bảo quản cũng như thu thập thì sẽ dẫn tới tình trạng mẫu thử không đạt được kết quả như mong muốn và không chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng.

Đó là chưa kể nhiều mẫu vật thu được có hàm lượng chất độc thấp, thậm chí chỉ còn bám dính trên mẫu vật đã gây khó khăn cho công tác giám định, đòi hỏi giám định viên phải có đủ kinh nghiệm và trình độ để xử lý. Thêm vào đó, các chứng cứ, tang vật được gửi tới giám định thường rất nhiều vì chưa thể xác định được ngay độc chất có ở trong mẫu vật nào. Điển hình như trong vụ án xảy ra vào tháng 3-2010, đối tượng Kim Văn Trường (SN 1966, trú tại Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) tìm cách đầu độc vợ chồng anh Thạch Văn Ngọc (Thanh Xuân - Hà Nội) bằng xyanua tại một quán cà phê tại phố Hòa Mã. Sau khi thu giữ các tang vật có liên quan, cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu giám định 13 mẫu chất lỏng đựng trong 13 chai Lavie thu được tại hiện trường xem mẫu chất lỏng nào có chứa chất độc và đó là loại gì. Ngoài ra khi những mẫu vật được gửi đến cơ quan giám định, các giám định viên chưa thể định hướng được về loại độc chất mà đối tượng đã sử dụng mà phải qua bằng các phương pháp phân tích hiện đại mới biết đó là loại chất độc gì. Mỗi một mẫu vật cần phải được phân tích rất nhiều lần, bằng nhiều phương pháp khác nhau mới có thể khẳng định, tìm ra loại chất độc mà đối tượng đã sử dụng. 

Thực tế, trong thời gian qua, cũng xảy ra rất nhiều trường hợp đối tượng đầu độc “người tình” trong nhà nghỉ để cướp tài sản, đối tượng vờ thuê “xe ôm”, rồi mời lái xe vào quán ăn, uống sau đó cho thuốc mê, thuốc độc đầu độc lái xe để cướp tài sản rồi biến mất. Cơ quan công an cũng đã điều tra bắt giữ rất nhiều vụ án như vậy, song qua đó cho thấy công tác điều tra truy tìm hung thủ của những vụ án này chẳng khác nào tìm kim đáy bể. Theo một cán bộ điều tra để phòng tránh được việc bị đầu độc trước hết cần phải phụ thuộc ý thức cảnh giác của mỗi người. Tuyệt đối không sử dụng những đồ ăn, thức uống do người lạ mặt hoặc mới quen biết mời. Trong trường hợp nghi bị đầu độc do phát hiện ra các màu hoặc mùi vị lạ trong thức ăn, đồ uống (chất asen và thủy ngân thường có mùi tỏi, chất xyanua khi nếm thường có vị tê ở đầu lưỡi, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ thì có mùi rất khó chịu) thì điều đầu tiên cần làm là bằng mọi cách để người trúng độc nôn ra ngoài để chất độc không kịp ngấm vào cơ thể.