1 tàu chiến Iran gây “náo loạn” 4 nước xung quanh biển Caspian

ANTĐ - Chỉ 1 tàu chiến Iran hoạt động tại khu vực nhạy cảm đã khiến cho các nước quanh khu vực biển Caspian “náo loạn”.

Ngày 28/04, trang mạng Strategypage cho biết, do Iran phá hoại hiệp định, triển khai tàu hộ vệ tại khu vực biển Caspian làm cho Nga và các nước xung quanh đồng loạt “ra tay”, hình thành một cuộc chạy đua triển khai vũ khí tại con đường huyết mạch vận chuyển dầu của thế giới.

Trước khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, các quốc gia xung quanh biển Caspian chỉ có Iran và Liên Xô (chiếm đại bộ phận dải bờ biển). Sau khi Liên Xô giải thể, Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Turkmenistan… trở thành các nước bao quanh biển Caspian. Kể từ đó, tình hình khu vực bỗng nhiên trở nên vô cùng hỗn loạn.

Tàu hộ vệ tên lửa Jamaran 01 số hiệu 76 thuộc lớp Jamaran phóng tên lửa C-802 của Trung Quốc

Iran và Azerbaijan là 2 nước láng giềng của nhau những Iran một mực tuyên bố Azerbaijan là một bộ phận lãnh thổ của họ. Vì những lí do lịch sử khác nhau, cả Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều hy vọng chinh phục được Azerbaijan. Vì vậy, việc hải quân Iran triển khai tàu chiến ở khu vực biển Caspian không chỉ khiến Azerbaijan nổi khùng mà cả Nga cũng rất tức giận.

Iran triển khai tại đây 1 tàu hộ vệ hạng nhẹ trong nước sản xuất thuộc hạm đội Caspian, có lượng giãn nước 1400 tấn. Hạm đội này chủ yếu là các tàu hộ vệ và tuần tiễu cỡ nhỏ nhưng đều được trang bị tên lửa hành trình chống hạm khá mạnh.

Trong khi đó, Azerbaijan vừa mua lô vũ khí trị giá 1,6 tỷ USD của Israel, bao gồm chủ yếu là tên lửa chống hạm Gabriel chuyên dùng để ngăn chặn tàu chiến Iran xâm nhập biển Caspian, bảo vệ dải bờ biển của họ tại khu vực biển này.

Khống chế biển Caspian chủ yếu là sử dụng máy bay, về phương diện này thì Nga là số 1, họ có thể nhanh chóng huy động một số lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại. Cùng với lực lượng tàu chiến hùng hậu trang bị tên lửa Kaliber của hạm đội Caspian, rõ ràng Nga là nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất khu vực này.

Bản đồ 5 nước Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan, Turkmenistan xung quanh biển Caspian

Bài báo cho biết, Iran đã uy hiếp gần như toàn bộ các nước xung quanh và tuyên bố quyền sở hữu đối với các mỏ dầu nằm trong khu vực lãnh hải Azerbaijan. Rõ ràng là Tehran có ý đồ độc chiếm nguồn dầu mỏ có trữ lượng khoảng 40 tỷ thùng ở biển Caspian, điều này đã làm các nước xung quanh ít nhiều nóng mắt.

Biển Caspian thực chất là một hồ lớn nhất thế giới, hơn 1 nửa lượng hàng hóa hàng năm vận chuyển qua đây là dầu mỏ và các sản phẩn dầu. Thời gian qua, các nước trong khu vực đua nhau mua sắm tàu chiến và tên lửa bờ đối hạm với mục đích chủ yếu là bảo vệ các giàn khoan và mỏ dầu đang khai thác cùng với hành lang vận chuyển ven bờ.  

Cho dù tất cả các nước ở khu vực này đều lớn tiếng tuyên bố là không chạy đua vũ trang nhưng một khi Iran đã phá vỡ hiệp nghị, tất cả các nước khác sẽ ồ ạt triển khai chiến hạm trên vùng biển này. Strategypage kết luận: “Trong thời gian tới, nếu việc này còn tiếp diễn, biển Caspian sẽ trở nên rất ngột ngạt”.