1.900 tỷ USD: Gói cứu trợ của Mỹ “tiếp sức”đến nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo giới phân tích, gói phục hồi kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 6,5% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ được hưởng lợi từ đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương này trong năm tới.
Gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mang lại hy vọng cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kích thích, tạo lực đẩy cho nhiều nền kinh tế của các quốc gia khác

Gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mang lại hy vọng cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kích thích, tạo lực đẩy cho nhiều nền kinh tế của các quốc gia khác

Khu vực sử dụng đồng Euro: Những lợi ích khó chối từ

Đối với các nhà đầu tư, những cơn biến động của thị trường trái phiếu đang thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của họ. Triển vọng lạc quan hơn của kinh tế Mỹ đã đẩy chi phí đi vay ở cả hai bờ Đại Tây Dương tăng lên và có nguy cơ chặn đứng đà phục hồi của Eurozone, khi khu vực này hầu như vẫn đang áp đặt các lệnh phong tỏa để chống dịch.

Điều này đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải mở rộng các biện pháp kích thích và tăng áp lực lên các Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra phản ứng về ngân sách chung của khối, cụ thể là một quỹ chung cho EU trị giá 750 tỷ Euro (900 tỷ USD) đang chờ được giải ngân. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng gói kích thích đáng giá để ECB chống chịu qua thời gian này.

Hơn nữa, gói sẽ giúp lượng công việc của ECB giảm bớt thay vì tăng trong dài hạn. Nhà kinh tế học Christian Keller của Ngân hàng Barclays cho rằng, tăng trưởng GDP của EU sẽ nhận được thêm khoảng 0,3 điểm %, thậm chí lạc quan hơn là 0,5 điểm % từ gói chi tiêu của Mỹ. Lập luận được đưa ra là khi tăng trưởng của Mỹ nhanh hơn, nước này sẽ nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn. Điều này cũng có thể gây áp lực tăng đối với đồng USD, vốn thực tế có chức năng kích thích tiền tệ ở châu Âu, hỗ trợ lạm phát và giúp hàng xuất khẩu của khu vực trở nên cạnh tranh hơn.

Kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) tương đương khoảng 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối. Ngay cả khi hoạt động giao thương sụt giảm mạnh vào năm ngoái, EU vẫn có thặng dư thương mại 150 tỷ Euro (180 tỷ USD) với Mỹ. Gói cứu trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ hỗ trợ xuất khẩu của EU hơn nữa.

Đồng Euro: Hưởng lợi từ tỷ giá ngoại hối

Việc đồng Euro đang khá mạnh dự kiến sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm nay. Nhưng tình hình thực tế mới có thể thay đổi điều này. Nhà kinh tế Erik Nielsen của Ngân hàng UniCredit cho biết rất khó để đồng Euro tăng trong môi trường hiện tại. Chuyên gia này cho rằng còn khả năng trong quý tới hoặc lâu hơn nữa, kinh tế Mỹ mở rộng tăng trưởng mà châu Âu vẫn không thể triển khai tiêm chủng thành công. Khi đó, đồng Euro có thể trong ngưỡng 1,15 - 1,16 USD đổi 1 Euro. Đồng tiền chung châu Âu hiện được giao dịch quanh mức 1,19 USD đổi 1 Euro, thấp hơn khá nhiều mức cao 1,23 USD hồi đầu năm nay, nhưng vẫn tăng hơn 10% so với giai đoạn tiền đại dịch.

Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản của kinh tế Mỹ mạnh hơn cũng mở rộng chênh lệch giữa chi phí đi vay giữa nước này và châu Âu. Diễn biến đó sẽ giúp làm giảm giá đồng Euro, qua đó có thể vô hiệu hóa tác động của việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đối với “đường cong” lợi suất của Eurozone.

Ngân hàng Trung ương châu Âu: Đạt được mục tiêu lạm phát

Đà tăng trưởng kinh tế tốt hơn tại Mỹ cũng có thể giúp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua lạm phát toàn cầu lên cao hơn. Giá hàng hóa đã tăng 16% kể từ đầu năm tới nay và hiện đang giao dịch quanh mức cao nhất trong vòng 2 năm rưỡi do kỳ vọng tăng trưởng đột biến. Đây có thể coi là sự hỗ trợ cho một Ngân hàng Trung ương đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng giá cả hàng năm “lành mạnh” trong một thập kỷ, khiến họ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về uy tín của mình. Trong khi ECB có xu hướng bỏ qua các đợt tăng theo chu kỳ như vậy, giá hàng hóa liên tục lên cao rồi sẽ tác động đến lạm phát cơ bản, nâng mức tăng trưởng giá cả hàng năm tổng thể hướng tới mục tiêu khoảng 2% của Ngân hàng Trung ương này.

Yêu cầu tiên quyết để được hưởng lợi: Kiểm soát đại dịch Covid-19

Để được hưởng những lợi ích này, trước tiên EU cần phải kiểm soát được đại dịch Covid-19. Vì các biện pháp phong tỏa sẽ kìm hãm nền kinh tế, làm giảm tác động của bất kỳ biện pháp kích thích nào. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ. Động thái tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca trong tuần này do những lo ngại về tính an toàn chưa được kiểm chứng có thể làm giảm tính hiệu quả của việc triển khai tiêm chủng, từ đó có thể kéo dài thời gian phong tỏa tại khu vực này.

Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học UC Berkeley - ông Alan Auerbach cho biết, nếu lý do khiến châu Âu tăng trưởng chậm lại là vì họ không kiểm soát được đại dịch, rất có thể những gì đã xảy ra ở Mỹ vào năm 2020 sẽ lặp lại tại đây. Dù Chính phủ Mỹ khi đó đưa ra các biện pháp kích thích tài chính, điều đó chỉ thúc đẩy người dân gia tăng tiết kiệm hoặc nhu cầu dồn ứ gia tăng. Bên cạnh đó, sự phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ cũng là một rủi ro có thể làm tổn thương châu Âu ngay khi sự phục hồi của khu vực đang tăng tốc.

Tổng giá trị các biện pháp kích thích khác nhau của Mỹ trong năm 2020 tương đương khoảng 1/4 GDP hàng năm của nước này. Một khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại, lượng tiền mặt dư thừa đó cùng với khoản tiết kiệm bị dồn nén có thể đẩy tăng trưởng lên quá cao và buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải nhanh chóng thắt chặt các chính sách. Nhưng ngay cả khi kịch bản đó xảy ra, Giáo sư Alan Auerbach nói rằng, Eurozone cũng không phải chịu nhiều “thương tổn” nhờ việc đồng Euro “yếu đi” trong khi hoạt động xuất khẩu nhiều hơn.

Lực đẩy cho nền kinh tế Canada

Việc Mỹ quyết tâm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế với gói cứu trợ 1.900 tỷ USD sẽ tạo lực đẩy cho nền kinh tế ở quốc gia láng giềng Canada. Một số chuyên gia phân tích cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Canada sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2022 - một mốc thời gian trái ngược với những thông điệp từ cả hai cơ quan tài chính này. Gần đây nhất, FED tuyên bố sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục đến năm 2024, trong khi mốc nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada là năm 2023.

Hiệp hội các nhà chế tạo và xuất khẩu Canada dự đoán gói kích thích mới của Mỹ sẽ cộng thêm nửa điểm % vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Canada. Trên mặt trận thương mại, Canada đã nhận được kết quả đáng ngạc nhiên. Kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ đã tăng 11,3% lên 37,2 tỷ CAD trong tháng 1, trong bối cảnh dầu thô và gỗ xẻ lên giá - đó là tháng xuất khẩu mạnh nhất của Canada sang Mỹ kể từ tháng 9-2019. Chuyên gia kinh tế Avery Shenfeld tại CIBC Capital Markets nhận định, triển vọng sáng sủa của kinh tế Mỹ chắc chắn là một tin tuyệt vời đối với Canada. Tuy nhiên, khi các biện pháp kiềm chế dịch bệnh được nới lỏng, người Mỹ sẽ tăng chi tiêu vào dịch vụ - lĩnh vực mà các doanh nghiệp Canada ít có khả năng khai thác sâu.