1-5-2013: Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng

ANTĐ - Chiều 18-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi).
Theo kết quả biểu quyết, cả 5 dự thảo Luật này đều được thông qua. Là một bộ Luật được nhiều người mong đợi nhất, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đã được thông qua với 93,39 % số phiếu tán thành. Theo đó, về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể  nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
1-5-2013: Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng ảnh 1
Nghỉ thai sản 6 tháng, các bà mẹ sẽ có cơ hội chăm sóc con tốt hơn
(Ảnh minh họa)

Luật Bảo hiểm tiền gửi được thông qua với gần 93% số phiếu tán thành. Trước đó, đã có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam và ý kiến khác kiến nghị gửi cả vàng và tiền ngoại tệ. Sau khi xem xét, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chỉ gửi đối với tiền Việt Nam. Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ quy định mức phí cụ thể, tổ chức nào có rủi ro cao thì phải nộp phí cao và ngược lại.

Đối với Luật Phòng chống rửa tiền, các ĐB biểu quyết thông qua với 93,19% số phiếu tán thành.

Dự thảo Luật giáo dục đại học nhận được 84,57% phiếu tán thành và dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá nhận được 88,18% tổng số đại biểu tán thành.