Thay thế đồng bộ cây xanh: “Tôi tin, Hà Nội làm đúng”

ANTĐ - PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn ANTĐ xung quanh việc thay thế cây cong nghiêng, cây sâu mục, cây không đúng chủng loại cây đô thị của Hà Nội. Việc thay thế là cần thiết, đảm bảo cho sự văn minh, an toàn của một đô thị hiện đại.
Thay thế đồng bộ cây xanh: “Tôi tin, Hà Nội làm đúng” ảnh 1

- Ở góc độ một người Hà Nội, PGS có thể nói gì về cây xanh ở Thủ đô?

- PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam: Cây xanh ở Hà Nội không chỉ có ý nghĩa về môi trường, cảnh quan cho bóng mát mà nó còn gắn với kỷ niệm và đi vào thơ, ca. Vì vậy, người Hà Nội rất yêu và quý trọng từng gốc cây trên mỗi tuyến phố.

- Thưa PGS, một số chủng loại cây như cây xà cừ, cây keo tai tượng, cây bàng… được trồng nhiều trên một số tuyến phố có còn phù hợp là cây đô thị?

- PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam: Hà Nội trước kia trồng rất nhiều xà cừ trên các tuyến phố, thậm chí là ở khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, tôi cho rằng Hà Nội không nên trồng loại cây này làm cây đô thị vì không đảm bảo an toàn. Xà cừ là loại cây rễ rất nông, phát triển nhanh, những năm 60-70 của thế kỷ trước đã được trồng rất nhiều quanh khu vực bờ Hồ, nhưng chỉ qua mấy trận bão lớn là gãy đổ la liệt.

Còn một số loại cây như cây bàng, theo tôi cũng không phù hợp là cây đô thị, bàng về mùa đông rụng lá, nhìn rất xấu. Cây keo tai tượng được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh thì rất giòn và dễ gãy. Loại cây này là cây lâm nghiệp, trồng lấy gỗ, không trồng là cây đô thị.


Thay thế đồng bộ cây xanh: “Tôi tin, Hà Nội làm đúng” ảnh 2
Cây cong, nghiêng gây mất an toàn trên đường phố cần được hạ bỏ và thay thế

- Vậy việc thay thế những loại cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây sâu mục, cong nghiêng của Hà Nội là cần thiết?

- PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam: Tôi tin, Hà Nội làm đúng, chủ trương là đúng. Nhưng có vẻ cách làm của các cấp, Sở ngành chưa thấu đáo - như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã nói. Việc tuyên truyền tới người dân chưa tới, nên gây hiểu nhầm và thiếu thông tin. Vì vậy, các Sở, ngành Hà Nội cần thông tin cho người dân hiểu rõ, việc thay thế là thay những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn, những cây không thuộc chủng loại cây đô thị. Việc thay thế này là thay thế xen kẽ, kéo dài từ 2015-2017 chứ không phải chặt hạ đồng bộ trên các tuyến phố như người dân đang hiểu.

Hàng cây sao đen hơn 100 tuổi trên phố Lò Đúc không nằm trong danh sách phải thay thế cây xanh đô thị

- Theo PGS, quá trình thay thế, đồng bộ cây xanh ở Hà Nội cần quan tâm tới vấn đề nào nữa?

- PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam: Hà Nội với đặc thù là Thủ đô của cả nước, vì vậy không những quan trọng với người dân trong nước mà còn với cả bạn bè quốc tế. Do đó, việc trồng cây gì cũng phải hết sức thận trọng và lựa chọn loại cây phù hợp, cần tránh những loại cây không an toàn như xà cừ dễ bật gốc, lim xẹt dễ gãy cành… Đặc biệt, mỗi con đường, tuyến phố nên trồng từng loại cây khác nhau, có ý nghĩa riêng như đường Bắc Sơn trồng hàng cây hoa ban, đường Hùng Vương, Trần Phú trồng cây chò chỉ…

Cây vàng tâm trồng tại cổng toà nhà UDIC đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, mới hơn 1 năm nhưng lá đã xum xuê, trổ hoa 

Theo Sách đỏ Việt Nam, Vàng tâm (hay còn gọi Manglietia fordiana - là một loài cây gỗ thuộc họ Mộc lan) là cây gỗ thường xanh, cao 25 - 30m, đường kính 70 - 80cm. Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành.  Mùa hoa của Vàng tâm thường vào tháng 3 - 4, mùa quả tháng 9 - 10. Cuống hoa dài 1 - 2cm; bao hoa màu trắng; nhị nhiều; lá noãn nhiều, xếp xoắn ốc. Mỗi lá noãn chứa 5 noãn. Quả hình trứng hay tròn - trứng, dài 4 - 5,5cm, gồm nhiều đại. Phân quả đại chất thịt, màu đỏ thẫm; lúc chín hóa gỗ, màu tím, ngoài có nhiều mụn lồi, đấu tròn hay có mũi nhọn nhỏ rất ngắn. 

Cây Vàng tâm mọc rải rác trong rừng rậm chủ yếu ở vùng Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An (Quỳ Châu), Quảng Bình (Bố Trạch: Ba Rền), tái sinh bằng hạt, tốc độ tăng trưởng trung bình, thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao 100 - 700m. Cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, ưa đất hơi chua, ẩm, màu mỡ.  

Gỗ cây Vàng tâm tốt, thơm, khó mối mọt, khi khô không nẻ cũng không biến dạng, dùng đóng đồ dùng gia đình, làm đồ mỹ nghệ, chạm khắc, văn phòng phẩm. Ngoài ra, một ưu điểm nữa của cây vàng tâm mà các chuyên gia lựa chọn đây là loại cây thích hợp trồng ngoài đường phố là cho hoa thơm, tán khá rộng.

Tuy nhiên, cây Vàng tâm đang đứng trước  nguy cơ tuyệt chủng do nạn khai thác gỗ lậu diễn ra ngày càng nhiều với mức độ đe dọa lên tới bậc V. Tại một số khu rừng cấm và vườn quốc gia, cây Vàng tâm nằm trong diện được bảo vệ.  Trước tình trạng đó, các chuyên gia cảnh báo, cần khai thác có mức độ đối với cây Vàng tâm, đồng thời, tìm nguồn giống đưa vào gieo ươm trồng rừng. 

Thay thế đồng bộ cây xanh: “Tôi tin, Hà Nội làm đúng” ảnh 5

Cây vàng tâm mới trồng được hơn 1 năm tại cổng toà nhà UDIC đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, đã xum xuê lá, trổ hoa