Tân chủ tịch VPF "vắt chân lên cổ" kiếm tài trợ cho mùa giải 2018

ANTD.VN - "Việc đầu tiên cần phải xúc tiến ngay là phải kiếm rất nhiều tiền, chắc chắn sẽ phải 'vắt chân lên cổ' để chạy đua với thời gian vì mùa giải mới chỉ còn 3 tháng nữa khởi tranh", tân chủ tịch Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú chia sẻ ngày nhậm chức.

Đại hội cổ đông Công ty VPF nhiệm kỳ 2017-2020 kết thúc ngày 3-12 tại Hà Nội, đã bầu ông Trần Anh Tú - Ủy viên thường trực LĐBĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn Nam, làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty thay ông Võ Quốc Thắng.

Trong làng bóng Việt, ông Tú nổi tiếng ở địa hạt môn futsal khi dành hơn 10 năm đầu tư tiền bạc, tâm huyết giúp Futsal Việt Nam tiến bộ với thành quả là tấm vé World Cup năm 2016. Dẫu vậy, trên cương vị người đứng đầu công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, ông Tú phải đối mặt rất nhiều thách thức, từ những tồn tại hạn chế của giải đấu như công tác trọng tài, khán giả sụt giảm, bạo lực sân cỏ, vấn đề một ông chủ nhiều đội bóng... và đặc biệt là khó khăn tài chính.

Ông Trần Anh Tú (phải) thay ông Võ Quốc Thắng làm chủ tịch VPF nhiệm kỳ 2017-2020

"Tôi cho rằng việc đầu tiên cần phải xúc tiến ngay là kiếm rất nhiều tiền vì Toyota đã hết hợp đồng sau 3 năm tài trợ cho V-League trong khi mùa giải mới chỉ còn 3 tháng nữa là khởi tranh. Vì vậy, có lẽ phải 'vắt chân lên cổ' để chạy đua với thời gian", tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói trong ngày nhậm chức.

Theo báo cáo tài chính của VPF, mỗi năm Toyota tài trợ cho V-League 40 tỉ đồng, ba năm là 120 tỉ đồng. Nhiệm vụ của tân Chủ tịch Trần Anh Tú và 7 thành viên còn lại trong HĐQT VPF là phải kiếm về bằng hoặc hơn con số đó để duy trì sự ổn định của giải. Đó là chưa kể ông Tú và các cộng sự phải kiếm nhà tài trợ cho các giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia.

"Tinh thần là sẽ phải xúc tiến ngay việc tìm kiếm tài trợ song cụ thể thế nào thì HĐQT sẽ sớm bàn. Phải kiếm nhiều tiền bằng mọi giá", Chủ tịch VPF nêu quan điểm.

Nhiều thách thức đón đợi lãnh đạo VPF khóa mới, đặc biệt là vấn đề tài tài trợ

Ông "bầu" của Futsal Việt Nam cũng chia sẻ rằng đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nhận lời "chèo lái" VPF nhiệm kỳ III và cho biết tới đây sẽ phải giảm công việc tại LĐBĐ TP.HCM và ở mảng futsal để dồn thời gian, tâm sức cho VPF - nơi mà các thành viên HĐQT trong đó có Chủ tịch Trần Anh Tú thống nhất không nhận đồng lương nào.

Bên cạnh bài toán tài chính, tân Chủ tịch VPF cũng trăn trở với thực trạng khán giả ngày càng quay lưng với các giải quốc nội.

"Sự xói mòn niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá Việt Nam là điều mà cá nhân tôi cảm thấy rất đau đớn. VPF sẽ phải cải tổ chất lượng trọng tài và không thể để án kỷ luật làm nhức nhối dư luận", ông Tú nói.

Mong muốn của VPF nhiệm kỳ mới là có thể nắm quyền kiểm soát Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật (vốn đang cùng thuộc VPF) để chủ động và công minh hơn trong việc điều hành giải cũng như xử lý các sai phạm, tránh tình trạng công tác trọng tài lẫn các án kỷ luật đưa ra khiến dư luận không hài lòng, như mùa giải vừa qua.

Cơ cấu HĐQT Công ty VPF nhiệm kỳ 2017-2020

Chủ tịch HĐQT: ông Trần Anh Tú

Phó chủ tịch HĐQT (1): ông Trần Mạnh Hùng

Các ủy viên (6): ông Lê Hoài Anh, bà Đinh Thị Thu Trang, ông Lê Nguyên Hồng, ông Phạm Thanh Hùng, ông Nguyễn Hồng Thanh, ông Trần Lâm Vũ.