Ra "ao làng" thi thố còn run rẩy thì mơ gì vô địch Olympic 2020?

ANTD.VN - Bắn cung là đội tuyển được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu HCV Olympic 2020, thế nhưng ngay tại "ao làng" SEA Games còn không thắng nổi chính mình.

Sáng 22-8, đội tuyển bắn cung Việt Nam kết thúc nội dung thi đấu cuối cùng tại SEA Games 29. Một lần nữa các cung thủ lại gây thất vọng khi chỉ giành được tấm HCĐ nội dung cung một dây đôi nam nữ.

Nhìn lại 6 ngày thi đấu vừa qua, từ "thất vọng" được nhắc đi nhắc lại khá nhiều khi nói tới môn bắn cung. Từ cá nhân Nguyễn Tiến Cương - nhà vô địch SEA Games 2 kỳ liên tiếp, hay Lộc Thị Đào - đương kim vô địch châu Á, cho đến các nội dung đồng đội ở cả cung 1 dây, cung 3 dây và đôi nam nữ - vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam.

Trước giờ tranh tài, Tiến Cương được "chỉ mặt đặt tên" là người mở hàng HCV cho đoàn Việt Nam. Còn HLV trưởng Cáp Mạnh Tân tự tin tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giành trọn 5 HCV ở nội dung cung 3 dây". 

Đến VĐV kỳ cựu nhất tuyển bắn cung là Nguyễn Tiến Cương cũng không vượt qua nổi áp lực và thất bại trong mục tiêu giành HCV tại SEA Games 29

Kết quả là cả lão tướng kỳ cựu Nguyễn Tiến Cương lẫn các đồng đội ở cung 3 dây đều thất bại trong việc tìm kiếm tấm HCV đầu tiên cho đoàn. Đến nội dung cung 1 dây, duy nhất Chu Đức Anh thành công ở nội dung cá nhân nam và đây cũng là tấm HCV duy nhất của bắn cung Việt Nam tại SEA Games năm nay.

1 HCV giành được là quá ít ỏi so với chỉ tiêu tối thiểu 3 HCV, hay so với tuyên bố giành trọn 5 HCV cung 3 dây của HLV trưởng đội tuyển. Và đó chính xác là một thất bại. Thế nhưng thất bại lớn nhất có lẽ không phải ở mặt thành tích mà ở cách các cung thủ Việt Nam thua cuộc.

Không cần giới chuyên môn phải chỉ ra cũng có thể khẳng định thất bại của Tiến Cương nói riêng và bắn cung nói chung là do tâm lý thi đấu kém cỏi.

SEA Games 2 năm trước, Tiến Cương giành tấm HCV cuối cùng cho đoàn. Và thực tế, đó là thời điểm anh không gặp áp lực về thành tích cũng như sự theo sát của đông đảo giới truyền thông lẫn lãnh đạo đoàn Việt Nam như kỳ SEA Games này. Tất cả đều kỳ vọng, hồi hộp ngóng "vàng" từ Tiến Cương trong ngày ra quân nhưng thất bại.

Hai ngày nối tiếp sau đó, Tiến Cương cùng các đồng đội tiếp tục "hụt" vàng. Nếu nói vì chuyên môn thua kém đối thủ thì không phải. Bằng chứng là ở nội dung cung 3 dây đôi nam nữ, cặp Tiến Cương - Kiều Oanh đã phá kỷ lục SEA Games khi giành tới 159 trên 160 tổng điểm tuyệt đối.

Thế nhưng bài thi hoàn hảo đó đến ở trận tranh HCĐ, khi áp lực gần như không còn bởi sự kỳ vọng đã đặt cả vào trận bán kết và cặp cung thủ Việt Nam đã không thể thắng nổi chính mình để mất vé chung kết vào tay đối thủ.

Tấm HCV duy nhất do Chu Đức Anh giành được, ngoài sự xuất sắc của cá nhân cung thủ này, không thể phủ nhận đó là thời điểm đội tuyển bắn cung đã vơi đi áp lực khi mà đông đảo giới truyền thông lẫn quan chức đoàn đã "quay lưng" sau 3 ngày theo sát, để tới các đội tuyển khác "săn" HCV đầu tiên.

Cần phải nhắc lại rằng sau Olympic 2016, bắn cung là đội tuyển được chọn đầu tư trọng điểm nhằm hướng tới tấm HCV ở thế vận hội 4 năm sau đó tại Tokyo (Nhật Bản). Bởi lãnh đạo ngành thể thao cho rằng đây là môn phù hợp với thể trạng, tố chất của người Việt Nam và 4 năm là đủ để nuôi hy vọng tấm HCV Olympic.

Thế nhưng, khi thi thố ở "ao làng" SEA Games còn run rẩy thì liệu rằng khi ra sân chơi lớn như Olympic, có thể giành "vàng" nổi không?