"Hạ giá" SEA Games

ANTD.VN - Tự ý thay đổi các nguyên tắc bốc thăm cơ bản của bóng đá, chủ nhà Malaysia đang tự “hạ giá” cho kỳ SEA Games lần thứ 29 diễn ra trên đất nước mình vào tháng 8 tới. Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á một lần nữa được đánh giá như ngày “hội làng”.

Malaysia (phải) muốn lấy HCV SEA Games môn bóng đá nam bằng mọi giá

Cách đây 2 ngày, bóng đá Đông Nam Á được một phen bất ngờ khi Malaysia tuyên bố họ được đặc cách trong việc bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam và futsal ở SEA Games 29. Theo đó, nước chủ nhà muốn tự chọn bảng đấu theo ý thích và các quốc gia còn lại không được phép can thiệp.

Điều đó có nghĩa, sau khi quá trình bốc thăm chia bảng được tiến hành xong, Malaysia được quyền chọn một trong hai bảng đấu và tất cả sẽ phải coi đây như một điều bình thường. Tất nhiên là sau đó, hầu hết các quốc gia còn lại đều phản đối điều bi hài chưa từng có tiền lệ này. Malaysia thèm khát tấm HCV tới mức bất chấp mọi nguyên tắc thông thường trong bốc thăm chia bảng thì đúng là chuyện không thể tin được.

Tới đây, một lần nữa người ta phải thấy tủi hổ trước thực tế SEA Games lâu nay vẫn bát nháo như một “hội làng”. Nhiều năm qua, cứ đến phiên quốc gia nào làm chủ nhà SEA Games, thì y như rằng sẽ có những thay đổi bất ngờ về các môn và nội dung thi. Có khi những môn quan trọng, thi đấu ở Olympic bị xóa sổ và thay vào đó là những môn mang tính “độc quyền” của quốc gia đó, cho vào chỉ cốt có thêm Huy chương nhằm chạy đua trên bảng xếp hạng.

Chẳng hạn như SEA Games 27 (2013) được tổ chức ở Myanmar, có 33 môn thi đấu thì 1/3 trong số đó là những môn mà chỉ Đông Nam Á mới có, như Võ gậy hay Chinlone (môn tâng bóng truyền thống của người Myanmar). Trong khi đó, một môn chuẩn Olympic là thể dục dụng cụ lại bị loại một cách thô bạo. Lý do vô cùng đơn giản: Myanmar rất yếu ở môn này và không muốn các quốc gia khác giành nhiều Huy chương. 

Myanmar chỉ là một ví dụ bởi ai cũng hiểu, quốc gia nào đăng cai SEA Games cũng sẽ tự đề ra luật theo ý thích của mình. SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia, hàng loạt môn được gọi là “thể thao” như đánh bài, trượt patin, leo tường đã xuất hiện. Đấu trường SEA Games bao năm nay vẫn tồn tại thực tế đáng buồn ấy. 

Trở lại với câu chuyện của bóng đá. Sau khi biết chuyện Malaysia muốn tự chọn bảng đấu ở SEA Games vào tháng 8 tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: “Nếu thông tin này là đúng thì Tổng cục sẽ có ý kiến và văn bản gửi tới BTC chủ nhà. Điều Malaysia đang làm là không đúng thông lệ quốc tế và chúng tôi không thể đồng tình”.

Trong khi đó, VFF cũng ra thông báo rằng: “Nguyên tắc bốc thăm do chủ nhà Malaysia đưa ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF nhận thấy thiếu sự khách quan và không đảm bảo cân bằng về chuyên môn giữa các bảng đấu”. VFF cũng sẽ có khiếu nại về điều này tại cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) tổ chức tại Nha Trang ngày 1-7 tới.

Dù vậy, thực tế các quốc gia còn lại khó lòng tác động cho một sự thay đổi này bởi môn bóng đá nam SEA Games không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA, nên tổ chức này cũng bó tay. Và cứ thế, thực tế đáng buồn mang tên SEA Games sẽ không bao giờ xóa bỏ được - đó là niềm vui của mỗi nước chủ nhà, nhưng là nỗi tủi nhục của làng thể thao Đông Nam Á.