Đừng ngộ nhận về Lương Xuân Trường

ANTD.VN - Rất nhiều người, nhiều bài báo không tiếc mỹ từ khen ngợi Lương Xuân Trường trong lần đầu được CLB Gangwon cho ra sân ở K-League. Những lời khen có đúng và có nên?

Người ta gắn sự kiện Xuân Trường lần đầu ra sân với việc CLB Gangwon thắng chung cuộc 2-1 trước chủ nhà Daegu 2-1 ở vòng 18 K-League 2017, nhờ đó vươn lên vị trí thứ 3/12 trên bảng xếp hạng giải hạng Nhất Hàn Quốc.

Công bằng mà nói, Xuân Trường đã chơi nỗ lực trong lần đầu được trao cơ hội. Tuy nhiên màn thể hiện của anh không ấn tượng, thậm chí nhạt nhòa so với các đồng đội và với cả đối thủ - những người ở đẳng cấp nhỉnh hơn và đang có phong độ tốt hơn với số lần, số phút ra sân hơn hẳn tiền vệ của Việt Nam.

Có thể động viên nhưng đừng ngộ nhận về cầu thủ Việt như Xuân Trường ở K-League

Sự thật là sau khi Xuân Trường rời sân phút 66, Gangwon chơi khởi sắc hơn. Với điểm nhấn là bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 của tiền vệ Chang Jin - người vào sân thế chỗ cho chính Xuân Trường, ở phút 82.

18 vòng đấu ngồi dự bị và mới chỉ được ra sân 66 phút, không để lại nhiều dấu ấn, không khó có thể thấy vai trò của Xuân Trường ở CLB Gangwon khá mờ nhạt. Nó khác rất xa so với những lời lẽ ngợi khen mang màu sắc xã giao, động viên Xuân Trường của HLV trưởng Choi Yoon Gyum trước khi mùa giải khởi tranh. Và cũng đi ngược với cam kết Xuân Trường sẽ được ra sân ít nhất 30% số trận đấu mà CLB Gangwon từng hứa hẹn với HAGL khi đôi bên đặt bút ký chiêu mộ tiền vệ quê Tuyên Quang.

Càng về cuối giải, K-League càng khắc nghiệt và cơ hội để một "chuyên gia dự bị" như Xuân Trường càng nhỏ đi. Có hay không tiếp tục bám trụ ở K-League hay về Việt Nam thi đấu, đang là vấn đề đặt ra cho Xuân Trường và CLB chủ quản HAGL khi hợp đồng cho mượn sắp kết thúc.

Trước Xuân Trường, hai đồng đội cùng trang lứa anh là Công Phượng và Tuấn Anh cũng đã có trải nghiệm tại giải J-League 2 của Nhật Bản. Cả 3 đều chung kịch bản: thường xuyên dự bị, hiếm hoi lắm mới được ra sân và 2 trong số 3 người đã phải hồi hương đá V-League.

Xuất khẩu được 3 cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu giải chuyên nghiệp là dấu ấn và một thành công đối với đào tạo trẻ HAGL và bóng đá Việt Nam nói chung. Song nhìn thẳng thắn, việc Công Phượng, Tuấn Anh không thành công phải về nước và tới đây có thể tới lượt Xuân Trường, cho thấy một thực tế: Cầu thủ Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn so với các đồng nghiệp đang chơi bóng ở các giải chuyên nghiệp hàng đầu châu Á.

Một thực tế mà cần sự thừa nhận, để tìm cách tiến bộ hơn, thay vì tự ru ngủ nhau bằng những mỹ từ mỗi khi chứng kiến một cầu thủ gốc Việt hiếm hoi được ra sân và không đọng lại ấn tượng gì.