Vì sao truyền thông Triều Tiên đưa tin rộng rãi về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2?

ANTD.VN -Cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được truyền thông Triều Tiên đưa tin rộng rãi. 

Tờ Rodong Sinmun (cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên), Đài truyền hình trung ương Triều Tiên và Đài phát thanh trung ương Triều Tiên, các kênh thông tin được cho là hướng tới người dân nước này, đã đưa tin chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh hôm 26-5.

Tờ Rodong Sinmun, đã dành trang nhất và trang thứ 2 để đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh. 

Tờ Rodong Sinmun, đã dành trang nhất và trang thứ 2 để đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh. Tờ báo cũng đăng 18 bức ảnh chụp tại cuộc gặp, bao gồm bức ảnh chụp hai nhà lãnh đạo cùng các quan chức tháp tùng. 

Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, được Hàn Quốc theo dõi tại thủ đô Seoul, đã phát sóng khoảng 7 phút một đoạn cuộc gặp vào lúc 9 giờ 12 phút (giờ địa phương). Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) bước đầu đã đưa tin các chi tiết liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức bí mật, vài giờ trước buổi họp báo của Tổng thống Moon diễn ra vào lúc 10 giờ sáng 27-5. 

Các thông tin được truyền thông Triều Tiên đưa dường như trùng khớp với kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh được Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ. Tuy nhiên, Triều Tiên không chỉ rõ ai là người khởi xướng cuộc gặp này. 

Truyền thông Triều Tiên đã bám sát cuộc gặp thượng đỉnh này trong bối cảnh quan ngại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới có nguy cơ bị hủy.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần thứ 2 trên truyền hình

Các chuyên gia cho rằng có sự chậm trễ trong việc đưa tin về cuộc gặp này có thể là để cho cơ quan truyền thông của Triều Tiên có nhiều thời gian hơn giúp bao quát rộng rãi sự kiện và tranh thủ được sự ủng hộ của người dân.

Ông Kim Yong-hyun, giáo sư tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc nói: "Thực tế là ông Kim đã yêu cầu ông Moon trì hoãn việc công bố kết quả hội nghị thượng đỉnh có thể là do Triều Tiên không muốn các câu chuyện bên lề làm ảnh hưởng đồng thời định hướng dư luận của quần chúng trong nước”.

"Để công khai hội nghị thượng đỉnh một cách tích cực thông qua các phương tiện truyền thông như vậy sẽ giúp người dân hiểu rõ chính sách tới đây của chính phủ Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Mỹ”, ông nói thêm.