Trung Quốc mạnh tay chi nhiều tỷ USD cho "Con đường tơ lụa mới"

ANTD.VN - Dù Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng khi đã bỏ ra hàng chục tỷ USD, song sáng kiến “Vành đai và Con đường” hay còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới” phải vượt qua không ít quanh co và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trung Quốc mạnh tay chi nhiều tỷ USD cho "Con đường tơ lụa mới" ảnh 1Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào “Con đường tơ lụa mới” do nước này khởi xướng từ năm 2013

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” với sự tham dự của lãnh đạo 29 quốc gia đã kết thúc sau 2 ngày họp tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Bên cạnh sự ủng hộ và hứa hẹn tích cực tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan… một trong những kết quả nổi bật nhất của diễn đàn là việc nước chủ nhà cam kết tiếp tục rót thêm 100 tỷ Nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) cho việc thực hiện sáng kiến do chính quốc gia này khởi xướng cách đây 4 năm.

Năm 2013, khi nước Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh xúc tiến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có sự tham gia của Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và đang trỗi dậy mạnh mẽ này đã đề xuất sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Lấy ý tưởng từ “Con đường tơ lụa” hình thành hơn 200 năm trước Công nguyên và tồn tại 1.600 năm, Trung Quốc từ năm 2013 đã đề xuất Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21.

Sáng kiến được mệnh danh là “Con đường tơ lụa mới” ra đời sau hơn 2.000 năm nên tất nhiên quy mô và tham vọng của nó cũng lớn hơn rất nhiều. Không chỉ là con đường trên bộ mà còn cả trên biển và mở rộng ra phạm vi rộng lớn. Trung Quốc cho biết khi hoàn thành trong vòng một thập kỷ tới, sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, GDP 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD. 

Tất nhiên, cũng như “Con đường tơ lụa” cũ, “Con đường tơ lụa mới” cũng do Trung Quốc là “hạt nhân”  phát triển. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã không tiếc tiền đề đầu tư vào sáng kiến do mình đề xuất khi đầu tư vào các dự án nằm trong “Vành đai và Con đường” này 60 tỷ USD trong 4 năm qua và vừa cam kết đầu tư thêm 14,5 tỷ USD.

Trung Quốc trông đợi rất lớn vào thành công của “Con đường tơ lụa mới” giúp nâng cao và củng cố vị thế cường quốc gia hàng đầu thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những quốc gia ủng hộ như Nga, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… nhiều quốc gia đã tỏ sự hoài nghi, nghi ngại, thậm chí là phản đối với lo lắng Trung Quốc sẽ đặt yếu tố chính trị lên trên kinh tế và thương mại.

Đơn cử, Ấn Độ đã từ chối tham dự Diễn đàn tại Bắc Kinh để phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đặt mục tiêu nối liền vùng Tây Bắc Trung Quốc với Biển Arập và đi qua khu vực tranh chấp Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ. Ngay cả tại những quốc gia mà Trung Quốc đầu tư các dự án cả tỷ USD như Sri Lanka, Bangladesh… thì người dân cũng xuống đường biểu tình bởi lo ngại mặt trái của những dự án này.

Một trong những trở ngại lớn nhất để “Con đường tơ lụa mới” vươn lên tầm cỡ mà Trung Quốc mong muốn là sự lạnh nhạt của các nước phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã im lặng một cách khác thường về sáng kiến “Vành đai và Con đường” bất chấp hai bên đang là đối tác thương mại hàng đầu của nhau với kim ngạch hai chiều đạt hơn 600 tỷ USD.

“Con đường tơ lụa mới” vì thế là một con đường dài, quanh co và đầy chông gai.