Trung Quốc chưa thể dẫn độ tội phạm từ Australia

ANTD.VN - Chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời Australia về nước, mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã gặp “trục trặc” khi Chính phủ Austrlia bất ngờ rút lại Hiệp định dẫn độ với Trung Quốc.

Một nữ nghi phạm tham nhũng bị dẫn độ từ Mỹ về Trung Quốc

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 28-3 buộc phải tiến hành cuộc đối thoại khẩn cấp với Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cảnh Nghiệp ngay sau khi Chính phủ nước này bất ngờ rút lại Hiệp định dẫn độ giữa hai nước đã trình ra Quốc hội. Động thái này được cho là sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và  diễn ra chỉ đúng 2 ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kết thúc chuyến thăm chính thức nước này.

Hiệp định dẫn độ giữa  Australia và Trung Quốc đã trải qua quá trình dài “đằng đẵng” thông qua tại Australia sau khi được nguyên Thủ tướng Australia John Howard ký kết từ năm 2007 với Trung Quốc. Chính phủ Australia cũng thảo luận về vấn đề này rất nhiều lần từ năm 2013-2016 trước khi đệ trình lên Quốc hội. 

Cuộc bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định dẫn độ Australia-Trung Quốc của Quốc hội Australia dự định diễn ra vào ngày 28-3, song Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã buộc phải rút lại vào giờ chót khi biết chắc rằng không thể thu đủ số phiếu ủng hộ. Các nghị sĩ của cả Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập cho rằng không nên cho phép đưa người phạm tội trở lại Trung Quốc, do hệ thống luật pháp của Bắc Kinh gây tổn hại tới nhân quyền. 

Hiện chưa rõ “số phận” của Hiệp định dẫn độ Australia-Trung Quốc cho dù đều đã được Chính phủ hai nước cùng đặt bút ký kết từ cách đây gần tròn 10 năm. Công đảng đối lập tuyên bố thỏa thuận này muốn được Quốc hội Australia thông qua thì cần phải được xem xét chỉnh sửa lại “cho phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Việc Quốc hội Australia chưa thông qua Hiệp định dẫn độ với Trung Quốc đã gây cản trở lớn tới hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tư pháp, nhất là trong bối cảnh phía Trung Quốc trông đợi nhiều vào việc chuyển giao những người bị giam giữ kể từ năm 2008. Cho dù trong cuộc đối thoại với Đại sứ Trung Quốc Thành Cảnh Nghiệp cùng Ngoại trưởng Julie Bishop, Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan đã tìm cách trấn an ông Thành Cảnh Nghiệp rằng hoạt động thực thi luật pháp chung giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc không có được Hiệp định dẫn độ với Australia sẽ tác động không nhỏ tới chiến dịch “Săn cáo” nhằm truy bắt các quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ra nước ngoài nhằm tránh bị trừng phạt ở trong nước. Trong số liệu công bố tuần trước, giới chức Trung Quốc cho biết, trong khoảng từ năm 2014-2016 đã bắt giữ tổng cộng 2.566 nghi phạm bỏ trốn tới hơn 90 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hồi tổng cộng 8,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,25 tỷ USD) tiền bất hợp pháp.

Trong số những người bị bắt giữ khi thực thi chiến dịch “Săn cáo” có 1.283 đối tượng đã ra đầu thú hoặc bị thuyết phục trở về nước chịu tội. Các đối tượng còn lại bị giới chức các nước sở tại bắt giữ theo lệnh truy nã của Trung Quốc và bàn giao cho nước này. 

Không có hiệp định dẫn độ có thể tạo ra “kẽ hở” để tội phạm Trung Quốc, trong đó có không ít quan tham, tìm cách chạy trốn tới Australia “trú ẩn”.