Phụ nữ Lebanon thoát cảnh làm vợ kẻ hiếp dâm khi điều luật từ "thời kỳ đồ đá" được bãi bỏ

ANTD.VN - Quốc hội Lebanon vừa phê chuẩn việc bãi bỏ điều luật 522 gây nhiều tranh cãi, trong đó cho phép những kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân để tránh bị truy tố.

Các nhà hoạt động xã hội ABAAD tuần hành phản đối điều luật 522 tại Thủ đô Beirut 

Điều luật 522 ban hành từ năm 1940, quy định việc xử phạt các tội hãm hiếp, quấy rối tình dục, bắt cóc và cưỡng hôn. Tuy nhiên, nếu kẻ cưỡng bức kết hôn với nạn nhân sẽ không phải chịu hình phạt có thể lên tới 7 năm tù lao động khổ sai. 

Các thành viên của Ủy ban về hành chính và công lý Nghị viện Lebanon đã nhất trí đệ trình đề nghị hủy bỏ điều luật này hồi tháng 12 năm ngoái. Nhưng đến ngày    16-8 vừa qua, điều luật này mới được cơ quan lập pháp nhất trí bãi bỏ sau hàng loạt chiến dịch vận động, tuần hành của các nhóm nữ quyền trên toàn Lebanon.

Tổ chức Quyền phụ nữ ABAAD của Lebanon tuyên bố việc bãi bỏ Điều 522 là “thắng lợi cho phẩm giá của phụ nữ” và cảm ơn các nghị sĩ đã “nỗ lực bảo vệ phụ nữ khỏi hình thức bạo lực” đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Các nhà hoạt động xã hội chỉ trích rằng điều luật đó đã vi phạm quyền của người phụ nữ và hành hạ các nạn nhân thêm một lần nữa khi trói buộc họ bằng một cuộc hôn nhân “cứu vãn danh dự”.

Cuộc đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng

Wafa Bani Mustafa, một thành viên của Nghị viện lập luận rằng nếu không hủy bỏ điều luật trên thì tình trạng tội phạm hiếp dâm không bị trừng phạt sẽ vẫn tiếp tục gia tăng và lợi ích của gia đình sẽ vẫn được đặt trước quyền lợi công lý của nạn nhân. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề phụ nữ Lebanon Jean Oghassabian gọi đạo luật là một biện pháp “từ thời kỳ đồ đá” cần phải được xóa bỏ. Thủ tướng Lebanon Saad Hariri cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với động thái của Quốc hội.

Những người ủng hộ nữ quyền cho biết không phải lúc nào, các nạn nhân bị hãm hiếp cũng tin tưởng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ giải quyết vụ kiện của họ một cách nghiêm túc. Chính vì vậy họ đã chọn cách thỏa hiệp với kẻ thủ ác nhằm tránh sự kỳ thị của xã hội. 

Bà Ghida Anani, nhà sáng lập Tổ chức ABAAD trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Times nhấn mạnh việc bãi bỏ điều luật là “bước đầu tiên để thay đổi tập quán và truyền thống”. Có được thành quả đó, các tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội Lebanon đã nỗ lực vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tác động tới các nhà lập pháp cũng như giáo dục ý thức tự bảo vệ, tự giải phóng cho toàn thể phụ nữ trong xã hội. 

Việc kêu gọi bãi bỏ điều luật 522 đã được đề cập đến từ lâu, song thực sự trở nên mạnh mẽ thời gian qua. Trên khắp đường phố ở Thủ đô Beirut của Lebanon tràn ngập những băng rôn với hình ảnh một phụ nữ trong chiếc váy cưới rách tả tơi và thấm đẫm máu cùng dòng ghi chú bằng tiếng Arab: “Một chiếc váy trắng không thể che đậy tội ác của kẻ cưỡng bức”. 

Hồi tháng 12-2016, tổ chức ABAAD cũng đã tiến hành nhiều cuộc tuần hành rầm rộ ở thủ đô và một số vùng nông thôn, phản đối cái gọi là “văn hóa hiếp dâm” ở Lebanon. Thời gian đầu, những cuộc tuần hành của họ không được quan tâm. Không nhụt chí, trong gần một năm qua, ABAAD tiếp tục biểu tình bên ngoài Nghị viện, trong đó phụ nữ mặc những chiếc váy cưới được sơn đỏ giống như máu nhằm lên án điều luật cổ hủ.

Tổ chức còn tiếp xúc các nạn nhân, thuyết phục họ tham gia vào video clip do đạo diễn Danielle Rizkallah phát hành, trong đó dựng lại các tội ác phi nhân tính mà họ phải chịu đựng sau khi bị cưỡng bức rồi kết hôn. Chính video này đã gây sự chú ý của giới truyền thông trong nước cũng như quốc tế. Và từ tháng 4-2017, khẩu hiệu đã biến thành hành động khi 31 áo cưới cho mỗi ngày trong tháng biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ bị lạm dụng hay cưỡng bức kết hôn đã được căng dọc bãi biển nghỉ mát nổi tiếng của Beirut. 

Chiến dịch của ABAAD là một phần trong nỗ lực của các tổ chức xã hội ở nhiều quốc gia khu vực Trung Đông, nơi phụ nữ đang đồng loạt đứng lên kêu gọi bãi bỏ điều luật phi lý. Chiến dịch nhằm loại bỏ sự kỳ thị đối với các nạn nhân bị hãm hiếp, giúp họ vượt qua mặc cảm và nâng cao nhận thức bằng việc khẳng định cưỡng dâm là một tội ác. Chiến dịch cũng gửi thông điệp tới xã hội rằng hôn nhân sau các vụ hiếp dâm là hình thức hợp pháp hóa việc tấn công tình dục đối với phụ nữ.

Các nhà hoạt động xã hội tuần hành trước Nghị viện Lebanon 

Đấu tranh còn dai dẳng

Trên thực tế thì những cuộc hôn nhân vì hiếp dâm không chỉ tồn tại duy nhất ở Lebanon. Theo cuộc điều tra do Tổ chức nữ quyền  Equality Now của Trung Đông và tư vấn Bắc Phi tiến hành ở 82 quốc gia, thì Philippines, dù là một quốc gia chủ yếu là người Công giáo, vẫn có tỷ lệ hôn nhân kiểu trên khá cao.

Thậm chí, các cuộc hôn nhân này còn tồn tại cả ở những quốc gia phát triển. Cho đến năm 2006, Uruguay mới bãi bỏ điều luật cho phép kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân. Và tại Pháp, cũng từng tồn tại điều luật trên và đã bị bãi bỏ vào năm 1994. Vào năm ngoái, Nghị viện của Bahrain cũng mới bãi bỏ điều luật này. Nhiều nước như Algeria, Iraq, Kuwait, Libya, Palestine, Syria, một số nước thuộc Mỹ Latin vẫn duy trì điều luật tương tự 522. Thực tế, vẫn tồn tại khá nhiều lý do khiến việc bãi bỏ luật cho kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân khó thành hiện thực.

Những người ủng hộ nữ quyền cho biết không phải lúc nào, các nạn nhân bị hãm hiếp cũng tin tưởng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ giải quyết vụ kiện của họ một cách nghiêm túc. Chính vì vậy họ đã chọn cách thỏa hiệp với kẻ thủ ác nhằm tránh sự kỳ thị của xã hội. Hơn nữa, Luật “Hôn nhân Hiếp dâm” có nguồn gốc từ luật La Mã về cưỡng hiếp dưới thời Trung cổ, theo đó, gia đình có người bị hãm hiếp phải giữ danh dự bằng cách giết chết nạn nhân hoặc tổ chức kết hôn với kẻ thực hiện hành vi cưỡng bức. Lebanon và nhiều quốc gia Arab chịu ảnh hưởng từ tư tưởng hà khắc này.

Do đó, “còn rất nhiều trận đánh khác. Luật dân sự - cách phụ nữ được đối xử trong hôn nhân, ly hôn, quyền nuôi con và các khoản tiền cấp dưỡng - là kế hoạch tiếp theo của chúng tôi. Nó sẽ không dễ dàng nhưng chúng ta có thể xây dựng trên tất cả các bước nhỏ này”. Đó là tuyên bố của bà Suad Abu Dayyeh, phụ trách tổ chức Equality Now.

Bộ trưởng phụ trách về phụ nữ Lebanon Jean Oghassabian thì bày tỏ mối quan tâm tương tự trên    Twitter rằng “trong khi chúng tôi hoan nghênh việc bãi bỏ Điều 552 của bộ luật hình sự, chúng tôi có đặt ra mối liên quan giữa điều luật vừa bãi bỏ với sự tồn tại của Điều 505 và 518. Quốc hội Lebanon cũng tuyên bố tái xem xét hai điều luật này”.

 Kafa, một nhóm nữ quyền Lebanon cảnh báo tính tiêu cực của Điều 522 “tiếp tục được quy định tại Điều 505, trong đó đề cập đến quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên là người từ 15 tuổi. Còn Điều 518 liên quan đến việc dụ dỗ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục với lời hứa đảm bảo bằng hôn nhân”. 

Mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm, quyết định của Lebanon là một bước tiến mạnh mẽ trong khu vực. Còn đối với các nhà hoạt động ABAAD, đây vẫn là một chiến thắng đáng giá. “Chúng ta nên gửi thông điệp rõ ràng cho công luận Lebanon, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, rằng bạo lực tình dục và cưỡng hiếp sẽ bị trừng phạt từ bây giờ”, nhà sáng lập ABAAD khẳng định.