Những điều ít biết về cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại Israel cách đây 30 năm

ANTD.VN - Cách đây 30 năm, ngày 9-12-1987, phong trào nổi dậy Intifada đầu tiên của người Palestine chống lại Israel đã nổ ra, khiến tình trạng hỗn loạn kéo dài trong 6 năm.

Người Palestine đụng độ với binh sĩ Israel tại Bethlehem ngày 8-12-2017

Cuộc nổi dậy này bắt nguồn từ một vụ tai nạn vào ngày 8-12-1987 khi 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza bị một xe tải của Israel cán chết. Vụ tai nạn đã làm bùng phát những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại 8 trại tị nạn vào ngày hôm sau.

Phong trào này lan rộng “như cháy rừng” trên khắp lãnh thổ bị chiếm đóng. Nhiều thanh thiếu niên Palestine, nhiều người mới chỉ 10 tuổi, đã xuống đường biểu tình, ném đá và bom xăng vào cảnh sát và quân đội Israel.

Bất ngờ trước cuộc nổi dậy trên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yitzhak Rabin, đã ra lệnh thực hiện chính sách “đập gãy xương” để đàn áp những người biểu tình Palestine.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Arập - Israel nổ ra trước đó 40 năm, người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tham gia xung đột với Israel.

Israel cáo buộc Syria, Iran và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) kích động bạo lực. Nhưng trên thực tế, Intifada là phong trào của người dân Palestine bình thường, bùng phát vì sự phẫn nộ của họ đối với Israel khi đó. Các lãnh đạo PLO sống lưu vong ở Tunisia ban đầu cũng bất ngờ trước cuộc nổi dậy này.

Trong 6 năm, 1.258 người Palestine bị giết bởi những người lính hoặc người định cư Do Thái, theo thống kê của một hãng thông tấn của Pháp dựa trên các nguồn tin Palestine. Gần 1/4 trong số đó dưới 16 tuổi. Khoảng 150 người Israel cũng thiệt mạng trong các vụ bạo lực.

Người Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Jerusalem ngày 9-12-2017

Năm 1994, ông Rabin nói rằng, khoảng 120.000-140.000 người đã bị tống giam trong các nhà tù của Israel trong cuộc nổi dậy này.

Ông Rabin bị ám sát một năm sau đó bởi một người Do Thái cực đoan chống lại tiến trình hòa bình.

Phong trào nổi dậy Intifada thứ hai bùng phát khi chính trị gia cánh hữu Israel Ariel Sharon tới thăm đền thờ Al-Aqsa ở Đông Jerusalem vào ngày 28-9-2000, và cuộc nổi dậy đã khiến ít nhất 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng trong 5 năm. Kết thúc phong trào này, quân đội Israel chiếm lại phần lớn Bờ Tây, và rút quân khỏi Dải Gaza năm 2005.