Người phụ nữ đầu tiên ghi tên vào lịch sử tình báo Mỹ CIA

ANTD.VN - Sau khi sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và đưa Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào thế chỗ, Tổng thống Donald Trump đã quyết định đề cử Phó Giám đốc CIA - bà Gina Haspel cho vị trí người đứng đầu cơ quan này. Nếu được Quốc hội phê chuẩn, bà Gina Haspel sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giữ chức lãnh đạo CIA.

Bà Gina Haspel sinh ngày 1-10-1956, là một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu của Washington. Tuy nhiên, sự lựa chọn Gina Haspel vào vị trí người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã gây tranh cãi trong cộng đồng tình báo và lưỡng viện Mỹ. Tất cả những tranh cãi này đến từ hồ sơ quá khứ của Gina Haspel, vừa mới được truyền thông phát hiện và công bố.

Người phụ nữ đầu tiên ghi tên vào lịch sử tình báo Mỹ CIA ảnh 1Bà Gina Haspel có cơ hội trở thành Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA nếu được Thượng viện Mỹ thông qua

Có gì trong quá khứ của bà Gina Haspel?

Bà Gina Haspel bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1985, trong đó hầu hết đều hoạt động bí mật. Chỉ hơn 1 năm sau các vụ khủng bố ngày 11-9-2001, CIA đã phái một quan chức bí mật, đó là bà Haspel đến giám sát một nhà tù bí mật ở Thái Lan với mật danh “Cats Eye” (Mắt Mèo) - nơi chuyên giam giữ các tội phạm khủng bố của Mỹ. 

Năm 2002, CIA bắt được một đối tượng mà họ tin rằng đây là kẻ quyền lực thứ ba của al-Qaeda, người từng là cố vấn riêng cho Osama bin Laden. Việc khai thác tù nhân mang tên Abu Zubaydah này đặc biệt quan trọng, đến mức CIA phải thực hiện những kỹ thuật thẩm vấn gây tranh cãi.

Abu Zubaydah được đưa đến nhà tù bí mật không có tên trong sổ sách của CIA ở Thái Lan dưới quyền chỉ huy của Haspel, đó chính là nhà tù “Mắt Mèo”. Nơi đây trở thành địa điểm nghiên cứu những kỹ thuật thẩm vấn mà dưới thời Tổng thống Bush, chúng được cho là cần thiết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Khi đó, bà Gina Haspel trực tiếp giám sát việc thẩm vấn Zubaydah cùng một tù nhân quan trọng khác: Abd al-Rahim al-Nashiri, kẻ bị cáo buộc liên quan tới hàng loạt vụ khủng bố, lên kế hoạch đánh bom tàu khu trục USS Cole gần cảng Aden, Yemen, hồi năm 2000.

Tài liệu của Chính phủ tiết lộ, Abu Zubaydah bị tra tấn bằng nước 83 lần chỉ tính riêng trong tháng 8-2002, vượt trội so với con số Bộ Tư pháp Mỹ cho phép. Thậm chí, biện pháp này vẫn được thực hiện ngay cả khi đối tượng  đã chấp nhận hợp tác. Ngoài ra, Zubaydah còn khai rằng anh ta  bị ném vào tường và nhốt trong những chiếc hộp chật ních như quan tài, không thể cử động được hàng giờ liền.

Chính chương trình này đã khiến tên tuổi bà Haspel cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều báo cáo điều tra được công bố sau đó về chương trình thẩm vấn khắc nghiệt này khiến tất cả ngỡ ngàng bởi tính tàn bạo quá sức của các nhân viên CIA cùng những sai lầm của tổ chức tình báo này, trong đó ngoài hình thức như tra tấn bằng nước còn có các hành vi tra tấn tâm lý như dùng tiếng ồn, hành quyết giả, không cho ngủ…

Người phụ nữ đầu tiên ghi tên vào lịch sử tình báo Mỹ CIA ảnh 2Abu Zubaydah từng bị giam giữ tại nhà tù “Mắt Mèo” và bị thẩm vấn theo phương pháp đặc biệt của bà Gina Haspel

Tiêu hủy chứng cứ

Các cuộc tra tấn tù nhân tại các nhà tù bí mật như “Mắt Mèo” đã được ghi âm, ghi hình và lưu trữ trong các tủ hồ sơ bảo mật an toàn của Trạm CIA tại Thái Lan từ năm 2002 cho đến năm 2005 thì bị hủy. Và không ai khác, bà Haspel là người ký các bức điện truyền đạt lệnh hủy các băng ghi âm, ghi hình chứng cứ tra tấn đó. Khi vụ việc này được phanh phui, CIA khẳng định người ký lệnh hủy các chứng cứ tra tấn là ông Jose Rodriguez - Cục trưởng Cục Tình báo bí mật quốc gia thời điểm đó.

Việc bà Haspel tham gia trực tiếp vào chương trình tra tấn và ra lệnh hủy chứng cứ đó là “vết đen” lớn nhất trong hồ sơ cá nhân của bà, khiến cho những lần bổ nhiệm của bà đều gặp phải sự phản đối từ dư luận bên ngoài và các Nghị sĩ Quốc hội.

Khi người phụ nữ này được Giám đốc CIA John Brennan bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tình báo bí mật quốc gia vào năm 2013, bà đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nữ Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện. Cũng vì chuyện bà Haspel từng tham gia chương trình tra tấn cho nên bà đành phải chấp nhận giữ chức Quyền Cục trưởng trong một thời gian. Khi bà được Giám đốc CIA khi ấy là ông Pompeo đề cử giữ chức vụ Phó Giám đốc cơ quan này, một lần nữa dư luận và các Nghị sĩ Quốc hội lại phản ứng mạnh mẽ.

Ngoài ra, về sau này, giới chức Mỹ xác định tên Zubaydah thực chất không phải một thủ lĩnh quan trọng của al-Qaeda. Zubaydah không thể cung cấp các thông tin hữu ích đơn giản bởi y không biết.

Người phụ nữ đầu tiên ghi tên vào lịch sử tình báo Mỹ CIA ảnh 3Phương pháp của bà Gina Haspel từng được ưa chuộng dưới thời Tổng thống Bush

Được Tổng thống ủng hộ

Sự trở lại của bà Haspel trong vai trò quyền lực nhất cơ quan tình báo Mỹ gây nhiều tranh cãi. Nhiều người lo ngại, bà có thể khôi phục chương trình thẩm vấn tàn bạo trong quá khứ. Vấn đề đặt ra là, mặc dù các Nghị sĩ, các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người khác lên án những phương pháp tra tấn thời cựu Tổng thống Bush, vẫn có nhiều người ủng hộ chương trình này, trong đó có Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố ủng hộ việc áp dụng trở lại các biện pháp tra khảo đối với các nghi phạm khủng bố.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump phát biểu về bà Gina Haspel: “Bà ấy là một gương mặt xuất chúng mà tôi hiểu rất rõ”. Nhưng cửa ải mà bà Haspel cần phải vượt qua chính là Thượng viện. Trong phiên chất vấn sắp tới tại cơ quan này trước khi được bổ nhiệm chính thức, bà Haspel sẽ phải điều trần về vai trò của bà trong hồ sơ tra tấn này. Nếu không giải thích thỏa đáng, bà Haspel có thể để mất đi sự ủng hộ của các Nghị sĩ Đảng Cộng hòa, hiện đang nắm giữ đa số ghế tại Thượng viện. Và nguy cơ để vuột mất chiếc ghế Giám đốc CIA đang hiện hữu.

Thế nhưng, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, Richard Burr cho biết, sẽ có những giới hạn đối với những gì CIA cung cấp. “Tôi nghĩ điều quan trọng là các thành viên sẽ trả lời câu hỏi của họ theo mức độ có thể, vì đây là một cơ quan tình báo cho nên sẽ có giới hạn về việc chúng ta tiết lộ những cá nhân đã làm việc ở lĩnh vực này trong 30 năm”, ông Richard Burr nói. Do vậy, mọi mong đợi có một phiên điều trần mà ở đó bà Haspel sẽ cung cấp “sự rõ ràng” cần thiết về hồ sơ quá khứ của mình là điều khó có thể xảy ra.

Người phụ nữ đầu tiên ghi tên vào lịch sử tình báo Mỹ CIA ảnh 4Bà Gina Haspel sẽ thay ông Mike Pompeo giữ vị trí giám đốc CIA?

Việc bà Gina Haspel, Phó Giám đốc CIA tham gia trực tiếp vào chương trình tra tấn và ra lệnh hủy chứng cứ đó là “vết đen” lớn nhất trong hồ sơ cá nhân của bà, khiến cho những lần bổ nhiệm của bà đều gặp phải sự phản đối từ dư luận bên ngoài và các Nghị sĩ Quốc hội.