Mỹ không cần triển khai THAAD nếu Triều Tiên giải giáp hạt nhân

ANTD.VN -Cựu Đô đốc Harry Harris ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc hôm 14-6 đã có buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Tại đây, ông Harris cho biết, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc sẽ không cần thiết nếu Triều Tiên đạt đến giai đoạn phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị hoàn toàn.

Cựu Đô đốc Harry Harris trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ

Ông Harris nêu rõ, THAAD được triển khai tại Hàn Quốc là một hệ thống chiến thuật được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

THAAD được Seoul và Washington đồng ý triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc từ năm 2016 khi liên tục gia tăng các hoạt động khiêu khích của Bình Nhưỡng bằng việc thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Ông Harris cũng khẳng định, việc triển khai THAAD không phải để đối phó với bất cứ mối đe dọa nào từ Trung Quốc, Nga hay bất kỳ nơi nào khác. 

Ngoài ra khi được hỏi và quyết định ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc của tổng thống Donald Trump, ông Harris cho biết, hoàn cảnh đã thay đổi từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore.

"Tôi tin rằng chúng ta nên tạm dừng các cuộc tập trận để xem liệu ông Kim Jong-un có thực sự nghiêm túc về phần đàm phán của mình hay không", Harris nói.

Tuy nhiên, ông Harris cho rằng Mỹ vẫn phải tiếp tục cảnh giác về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

"Tôi biết chính quyền đã nhấn mạnh rằng các cam kết với liên minh Hàn Quốc của chúng ta vẫn giữ nguyên và không thay đổi", cựu đô đốc phát biểu với Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) 

Ông Harris cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ vững mối quan hệ với Hàn Quốc vì các quyết định của Mỹ đều ảnh hưởng đến mối quan hệ chiến lược này. Các quyết định về mức độ triển khai quân đội, các cuộc tập trận và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đều phải thực hiện cùng với Hàn Quốc.

"Đây phải là quyết định liên minh và không phải là quyết định đơn phương", Harris nói. "Tôi nghĩ rằng một trong những công việc tôi sẽ có, nếu được xác nhận là đại sứ, đó là công việc thực hiện chính sách đến từ Washington và cũng phải đồng bộ với đồng minh Hàn Quốc của chúng ta".

Vị trí của đại sứ tại Seoul đã bỏ trống trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Ông Harris trước đây được dự kiến trở thành phái viên Mỹ sang Australia, nhưng đã được chính quyền chuyển sang Hàn Quốc - một công việc chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới của Washington với Triều Tiên.