Mỹ - Canada: Đồng minh nhưng không đồng lợi ích

ANTD.VN - Mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ với các đồng minh trong nhóm G7 đã lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thay đổi thái độ, quyết định không chấp nhận tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc tại Canada. 

Ông Donald Trump (ngồi) không chấp nhận tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7

Mỹ không ký tuyên bố chung G7

Từ trên chuyên cơ Air Force One đang bay đến Singapore để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi tuyên bố chung của G7. Viết lên Twitter hôm 9-6, ông Donald Trump khẳng định: “Dựa trên những tuyên bố sai lầm của Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo sau hội nghị và thực tế là Canada đang áp thuế với nông dân Mỹ, công nhân và công ty của chúng tôi, tôi đã chỉ đạo các đại diện Hoa Kỳ không xác nhận tuyên bố chung của Hội nghị”.

Thực tế mâu thuẫn giữa Mỹ với các thành viên khác trong EU đã tăng nhiệt từ lâu và chỉ đợi một cái cớ nhỏ như tuyên bố của Thủ tướng Canada Trudeau là bùng nổ. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã tỏ ra không hài lòng với mức thâm hụt thương mại của Mỹ với các đồng minh trong G7. Những con số thống kê cho thấy năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt lên 796,15 tỉ USD, mức kỷ lục kể từ năm 2008.

Trong số các đối thủ chính dẫn đến cảnh “nước Mỹ phải chịu đựng sự bóc lột về thương mại nhiều thập kỷ” như mô tả của ông Donald Trump, ngoài Trung Quốc thì các nước còn lại đều là thành viên của G7. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với châu Âu là 146 tỷ USD, chỉ sau mức thâm hụt thương mại 200 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc, với Nhật Bản là 68,85 tỉ USD.

Thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Mỹ

Khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” từng đưa ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng cùng tuyên bố: “Mỹ sẽ không cho phép các nước khác áp đặt thuế quan và rào cản thương mại lên nông dân, công nhân và các công ty của mình”, đặc biệt là chỉ còn mấy tháng nữa là cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra, buộc ông Donald Trump phải hướng mọi quyết sách cầm quyền vào những gì có thể giúp bảo vệ được quyền kiểm soát lưỡng viện lập pháp của Đảng Cộng hòa.

Hàng loạt những “đòn đánh” thương mại đã được ông Donald Trump tung ra, nhằm vào các nước có thặng dư thương mại với Mỹ, bất chấp đó là đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay các đối tác trong G7. Đầu năm nay, Mỹ đã áp thuế mới cho các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ nước ngoài. Đến tháng 6 vừa rồi, ông Donald Trump lại áp 10% thuế nhôm và 25% thuế thép nhập khẩu, khiến Liên minh châu Âu, Canada và Mexico phản đối mạnh mẽ.

Thái độ không khoan nhượng của ông Donald Trump còn thể hiện rõ trong Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Ông phủ đầu người đối thoại bằng những chỉ trích thẳng thừng về thương mại không công bằng với Mỹ. Ông sẵn sàng có những hành vi dường như khinh thường đối tác khi đến trễ, rời bỏ sớm, đối đầu với những người khác trong quan điểm về Nga, thậm chí gợi ý điều phi lý rằng Canada nên dỡ bỏ tất cả các mức thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ…

Với việc bất ngờ thay đổi quyết định khi không chấp nhận tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Donald Trump tiếp tục thể hiện thái độ không khoan nhượng của mình. Cuộc chiến thương mại bên trong G7 đã cận kề khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau phản ứng bằng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kế hoạch trả đũa vào ngày 1-7, áp đặt thuế quan tương tự thứ mà Mỹ đã áp đặt bất công với chúng tôi”. Ông Justin Trudeau thậm chí còn ví việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu với nhôm, thép của Canada với lý do an ninh quốc gia chẳng khác nào là sự “xúc phạm” với các cựu binh Canada từng tham chiến với các binh sĩ Mỹ.

Xem ra, tình bạn giữa những đồng minh trong G7 đang bị thử thách nghiêm trọng bởi xung đột về lợi ích kinh tế.