"Mất thiêng" đòn trừng phạt Triều Tiên

ANTD.VN - Cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt song vẫn chưa hiệu quả trong việc buộc Triều Tiên phải dừng các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un  đích thân thị sát tại địa điểm phóng loại tên lửa đạn đạo mới Hwasong-12 vào rạng sáng ngày  21-5

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 22-5 đã mạnh mẽ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cam kết hối thúc tất cả các quốc gia siết chặt hơn nữa trừng phạt chống Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố với sự đồng thuận của Trung Quốc - thành viên thường trực có quan hệ gần gũi nhất với Bình Nhưỡng, Hội đồng Bảo an đã nhất trí “tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt đáng kể” để buộc Triều Tiên “thay đổi thái độ” và “ngừng các hành động gây bất ổn”. 

Tuyên bố mở đường cho một Nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ được phát đi ngay sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo ngày 21-5 của Triều Tiên. Vụ phóng được cho là một loại tên lửa mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong chương trình tên lửa của Triều Tiên diễn ra bất chấp mọi cảnh báo của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu.

Hiện chưa rõ những biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lệnh trừng phạt mới sẽ siết chặt hơn các biện pháp đã áp dụng trong năm 2016 nhằm hướng tới việc ngăn chặn các nguồn thu nhập chủ chốt của Bình Nhưỡng vốn bị cáo buộc là được sử dụng để theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Trong trường hợp được thông qua, nghị quyết mới sẽ là nghị quyết trừng phạt thứ bảy được Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt từ năm 2006 tới nay nhằm gia tăng sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên - ông Kim Yong-il trước đây và ông Kim Yong-un hiện nay - dừng các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.

Thế nhưng, có thể thấy các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ cũng như đòn trừng phạt quốc tế đều không làm Triều Tiên chùn bước trong việc phát triển tên lửa và hạt nhân. Bất chấp mọi trừng phạt và gây sức ép, Triều Tiên từ năm 2006 tới nay đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa từ tầm ngắn cho tới tầm trung và tên lửa đạn đạo (ICBM).

Một trong những nguyên nhân khiến các biện pháp trừng phạt không thể gây sức ép với Triều Tiên, theo cáo buộc của Mỹ và phương Tây, đó là Trung Quốc - quốc gia có quan hệ gần gũi và chung biên giới với Triều Tiên - hoặc phớt lờ các lệnh cấm hay “dấm dúi” làm ăn với Bình Nhưỡng. Than đá, quặng sắt và nhiều khoáng sản khác khi công khai, lúc “âm thầm” vượt biên giới sang Trung Quốc để mang về cho Bình Nhưỡng nguồn ngoại tệ cùng nhiều loại hàng hóa quan trọng.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đã rất nỗ lực để phát triển sản xuất trong nước nhằm bù lại các loại hàng hóa nhập khẩu bị thiếu hụt cho ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Đến Thủ đô Bình Nhưỡng thời gian gần đây đều có thể thấy xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng tiêu dùng do Triều Tiên tự sản xuất để thay thế cho những mặt hàng tương tự vốn nhập từ Trung Quốc trước đây.

Dù gây rất nhiều thiệt hại và khó khăn cho Triều Tiên, song thực tế 11 năm qua cho thấy các biện pháp trừng phạt đã “mất thiêng” để ngăn Bình Nhưỡng quyết trở thành quốc gia sở hữu hai công cụ có tính răn đe cao là hạt nhân và tên lửa.