Lý giải nguyên nhân vụ cả gia đình đánh bom liều chết làm rung chuyển Indonesia

ANTD.VN - Gia đình gây ra loạt vụ đánh bom liều chết làm ít nhất 13 người thiệt mạng, 40 người khác bị thương ở Surabaya, Đông Java, Indonesia được cho là vừa trở về từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (tự xưng) và đây là bài học cảnh báo cho quốc gia Đông Nam Á này khi ứng phó với những phần tử Hồi giáo cực đoan hồi hương.

Trong khi nhiều người dân trên thế giới kỷ niệm Ngày của mẹ (13-5) thì một sự kiện mang tính “kỷ niệm đầy chết chóc” diễn ra tại Indonesia: 3 vụ tấn công liều chết xảy ra gần như đồng thời tại 3 nhà thờ ở Surabaya, tất cả được thực hiện bởi các thành viên của cùng một gia đình.

Lý giải nguyên nhân vụ cả gia đình đánh bom liều chết làm rung chuyển Indonesia ảnh 1Đội rà phá bom mìn phía ngoài Nhà thờ Công giáo Santa Maria, Surabaya, Đông Java, Indonesia

Cả gia đình “tử vì đạo”?

Dư luận vẫn đặt câu hỏi động cơ nào mà người mẹ Puji Kuswanti, trên mình đeo đầy bom dẫn theo 2 con con gái Fadila Sari, 12 tuổi và Pamela Rizkita, 9 tuổi bước vào nhà thờ Thiên chúa giáo Diponegoro để rồi cho nổ bom giữa chốn đông người.

Trong khi đó, 2 con trai của gia đình này gồm Yusuf, 18 tuổi và Alif, 16 tuổi cưỡi xe máy vào Nhà thờ Công giáo Santa Maria và kích nổ chất nổ họ mang theo. Còn người cha của họ, Dita Sopriyanto, lái xe bom đâm vào cơ sở của Trung tâm Giáo hội Pentecostal Surabaya. 

Tổ chức IS đã tuyên bố đứng sau các cuộc tấn công này trong khi Cảnh sát trưởng Surabaya, ông Tito Karnavian xác nhận với BBC rằng gia đình này theo nhóm Jemaah Ansharut Daulah (JAD), ủng hộ IS.

Đây là vụ tấn công lớn nhất liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế ở Indonesia kể từ sau vụ đánh bom của các thành viên al-Qaeda ở Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, cũng như các âm mưu tấn công nhỏ lẻ khác của IS.

Gia đình với 6 thành viên tham gia đánh bom liều chết nói trên được cho là nằm trong số hơn 500 người Indonesia trở về từ vùng đất do IS kiểm soát ở Syria và Iraq. Nếu đúng như vậy, có thể họ đã thấm nhuần các tư tưởng cực đoan của tổ chức này, theo đó bất kỳ ai không tuân theo IS đều là kẻ thù đáng bị giết, ngay cả khi họ là những người Hồi giáo khác.

Có lẽ các thành viên hoặc ít nhất là cha mẹ của gia đình này tin rằng họ thực hiện “tử vì đạo” để được tha thứ mọi tội lỗi và lên thiên đường. IS còn tuyên truyền, mỗi hành động “tử vì đạo” đó còn tạo ra cánh cửa lên thiên đường cho 70 người thân khác trong gia đình.

Thách thức từ những phần tử IS hồi hương

Một điểm đáng chú ý khác, từ trước đến nay không một phụ nữ hay trẻ em Indonesia nào tham gia vào các vụ tấn công khủng bố nhưng sự việc này cho thấy mối nguy từ những đối tượng này sau khi hồi hương.

Vấn đề người theo IS hồi hương vẫn là một chủ đề nóng đối với nhiều quốc gia. Nhiều Chính phủ công khai bày tỏ mối lo ngại của họ trước những tay súng được huấn luyện sử dụng vũ khí bài bản về nước sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria.

Ngay cả chuyện làm thế nào để đối phó với đối tượng phụ nữ và trẻ em IS hồi hương cũng không có câu trả lời rõ ràng. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Có nên cho phép tất cả họ trở về nhà và nếu làm như vậy, liệu đó có phải là mối nguy hiểm cho xã hội? Với hành vi bỏ trốn theo IS, liệu họ có bị truy tố hay không?

Vì theo nhiều tài liệu, vợ của những tay súng nước ngoài theo IS thường được gia nhập lực lượng cảnh sát đạo đức để giám sát việc thực hiện các quy tắc của IS hay trở thành nhà tuyển dụng trực tuyến, viết blog, lôi kéo người khác tham gia.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về chủ nghĩa cực đoan bạo lực, một số phụ nữ IS cũng được đào tạo chiến đấu hay tham gia các vụ đánh bom liều chết. Với trường hợp của Puji Kuswanti, mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng và nhà chức trách vẫn đang điều tra nguyên nhân.

Cảnh sát trưởng Tito Karnavian cho biết thêm, kẻ đứng đầu các cuộc tấn công hôm chủ nhật 13-5 cũng là thủ lĩnh JAD ở Surabaya. JAD được dẫn dắt bởi Aman Abdurrahman, kẻ đang bị giam giữ tại Depok, Tây Java liên quan đến một số tội danh khủng bố, trong đó có một cuộc tấn công ở Jakarta vào năm 2016 khiến 8 người chết. 

Khoảng 1.100 người Indonesia theo IS đã tới Syria, trong đó hơn 500 người vẫn còn ở Syria và hơn 100 người đã chết ở đó, 500 người còn lại đã trở về. “Những người đã trở về là thách thức của chúng tôi bởi đầu óc họ vẫn gắn chặt với tư tưởng của IS. Tôi hy vọng luật chống khủng bố mới sẽ sớm hoàn thiện để giúp lực lượng thực thi pháp luật ngăn chặn các vụ tấn công trong tương lai”.

“Khủng bố là một tội ác chống nhân loại và nó không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, bởi vì tất cả tôn giáo đều không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố. Tôi kêu gọi tất cả người dân Indonesia cùng chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tôi đã ra lệnh cho cảnh sát điều tra mạng lưới này đến tận gốc của chúng. Chúng ta không thể để những hành động hèn hạ như vậy xảy ra”.

Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" widodo