Liệu Mỹ và Triều Tiên có đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

ANTD.VN - Thêm một tín hiệu tích cực cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 tới, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bày tỏ sẵn sàng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Mỹ nếu cuộc gặp lịch sử diễn ra tốt đẹp. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết, có khả năng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Liệu Mỹ và Triều Tiên có đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, có nội dung bàn về cuộc gặp sắp tới Triều Tiên

Dường như đã có một sự thay đổi nhanh chóng trong các tuyên bố của Tổng thống Trump, báo hiệu các nỗ lực ngoại giao con thoi trong những ngày qua đang đạt hiệu quả. Giờ đây, cả ông Trump lẫn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều đưa ra những tín hiệu “nhượng bộ”. Mỹ không còn đề cập đến một “thỏa thuận lớn”, buộc Triều Tiên phải từ bỏ ngay lập tức chương trình vũ khí hạt nhân một cách có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông chủ Nhà Trắng dường như chấp nhận cách tiếp cận từng bước khi nói cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ là “bước mở đầu cho một tiến trình”. 

Trong khi đó, về phía Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân thông báo với ông rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này. Theo Ngoại trưởng Pompeo, ông Kim Jong-un hiểu rằng mô hình hiện nay không hiệu quả. Trước đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên thông báo tạm ngừng chương trình thử tên lửa đạn đạo, phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggyeri và đang hoàn tất quá trình phá hủy một điểm phóng tên lửa đặt tại thành phố Kusong, phía Tây Bắc nước này.

Trong tuyên bố tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Trump nhấn mạnh kết quả khả quan nhất của cuộc gặp thượng đỉnh 12-6 có thể là “ký một văn kiện” để chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, các cựu quan chức cũng như một số nhà phân tích của Mỹ cảnh báo rằng, nếu Washington không thể đồng thời khiến Triều Tiên đưa ra cam kết trong việc phi hạt nhân hóa thì giá trị của sự kiện lịch sử này rất mờ nhạt, thậm chí còn là “cái bẫy nguy hiểm” trong đàm phán.

Điều mà ông Kim Jong-un mong muốn nhất là đưa Mỹ vào các cuộc đàm phán kéo dài có liên quan đến sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Trước mắt, đối với cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Triều Tiên có thể “tính toán” để hai nhà lãnh đạo cam kết duy trì hòa bình và đạt được một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn, sau đó nhanh chóng chuyển sang các mục tiêu tiếp theo như bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đảm bảo an ninh và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, đồng thời thu hẹp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy những nhượng bộ của Mỹ trong một thời gian dài.

Một quan chức tham gia chuẩn bị cuộc gặp lịch sử nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ là một thành quả quan trọng, có thể làm dịu cục diện căng thẳng, mở đường cho tiến trình đàm phán trong tương lai, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn rằng có thể bắt đầu loại bỏ được mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đối với các đồng minh láng giềng hay với chính lãnh thổ Mỹ hay không?

Và đó cũng là điều mà Nhật Bản luôn quan ngại. Với chuyến thăm Mỹ lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực hết sức nhằm tìm kiếm sự đảm bảo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Có tin cho rằng nhiều khả năng ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nhất trí điều chỉnh chương trình hạt nhân và tên lửa đủ để giữ cho lãnh thổ Mỹ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, nhưng không động chạm đến các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc.