Liên Hợp Quốc tiếp tục họp bàn về hiệp ước buôn bán vũ khí

ANTĐ - Đại hội đồng LHQ dự kiến ​​sẽ thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên về buôn bán vũ khí thông thường vào thứ Ba (02/04) sau khi 193 quốc gia thành viên không đạt được sự đồng thuận vào tuần trước.

Sau 10 ngày đàm phán căng thẳng, vào thứ năm tuần trước, Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên đã phong tỏa việc thông qua dự thảo của LHQ về điều chỉnh ngành công nghiệp vũ khí với doanh thu hàng tỷ đôla mỗi năm của những nước này. Trái lại, một số nước phương Tây, châu Phi và các quốc gia châu Mỹ La Tinh lại yêu cầu thắt chặt việc kiểm soát buôn bán vũ khí.

Kenya, cùng với sự ủng hộ của 63 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Anh và Pháp - đề nghị Đại hội đồng LHQ đưa ra nghị quyết về vấn đề này. Nếu được thông qua, hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí sau đó sẽ được các quốc gia ký kết.

Phiên họp của Đại hội đồng LHQ sẽ bắt đầu vào lúc 14h chiều nay.

Việc bỏ phiếu đòi hỏi phần lớn các quốc gia đồng tình để có thể thông qua hiệp ước. Sau khi hiệp ước được thông qua, các quốc gia sẽ tự do ký kết và phê chuẩn. Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 50 phê chuẩn, tuy nhiên việc này có có thể mất tới hai năm.

Đây là hiệp ước về buôn bán vũ khí đầu tiên kể từ sau khi “Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện 1996” ra đời. Những loại vũ khí được quy định trong hiệp ước lần này gồm có xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, hệ thống pháo nòng lớn, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa, các vũ khí nhỏ khác.

Hiệp ước bao gồm các điều khoản ràng buộc các quốc gia trong việc kiểm soát buôn bán vũ khí. Các quốc gia sẽ phải đảm bảo những vũ khí được buôn bán không vi phạm các nghị quyết về nhân quyền, khủng bố, nhân đạo, tội diệt chủng, tội ác chiến tranh hay được bán cho bọn khủng bố hoặc tội phạm có tổ chức.

Hoa Kỳ - quốc gia sở hữu số lượng vũ khí lớn nhất thế giới - đã sẵn sàng ký hiệp ước này. Tuy nhiên Quốc hội Hoa Kỳ chưa chắc chắn về việc liệu sẽ phê chuẩn hiệp ước hay không.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế, Tom Countryman, dự đoán một số quốc gia sẽ bỏ phiếu chống lại hiệp ước tại phiên họp lần này. Mặc dù vậy, ông tin tưởng rằng đa số các quốc gia sẽ bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước, theo Channel News Asia.

Hai nhân tố lớn trong thị trường buôn bán vũ khí là Nga và Ấn Độ rất có thể sẽ không ký hiệp ước này.

Đại diện từ phái đoàn Nga, một thị trường lớn về xuất khẩu vũ khí, cho biết trong dự thảo hiệp ước có những quy định không thể chấp nhận được và một số điều khoản “không rõ ràng”. Phía Ấn Độ cũng chỉ trích gay gắt về những điều khoản quy định trong hiệp ước này.