Khó khăn trên con đường hiện thực hóa Tuyên bố chung Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Giới phân tích nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa rồi tại Singapore chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình đàm phán dài hơi. Nói như Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo thì việc hiện thực hóa Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh nói trên sẽ gặp nhiều khó khăn và vẫn có những nguy cơ có thể làm chệch hướng những nỗ lực nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 

Khó khăn trên con đường hiện thực hóa Tuyên bố chung Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Dù lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí về xây dựng mối quan hệ mới nhưng sẽ còn nhiều việc phải làm khi hai bên trở lại đàm phán 

Ngoại trưởng Mỹ cũng Tiết lộ tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ -Triều không bao gồm tất cả những gì đã được hai bên nhất trí. Điều này có nghĩa sẽ còn nhiều việc phải làm khi hai bên bắt đầu quay trở lại đàm phán, theo kế hoạch là “trong tuần tới”.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc, một số chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên chỉ là văn kiện mang tính biểu tượng vì nội dung đề cập một cách chung chung, thiếu các điều kiện ràng buộc cụ thể cho việc thực thi thỏa thuận.

Cụ thể, trong Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng cũng như thiết lập quan hệ mới giữa hai nước.

Tuy nhiên, ông Vladimir Shapovalov thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị, Pháp luật và Phát triển xã hội MGGU của Nga nghi ngờ về cam kết của Mỹ khi nhắc lại rằng  “họ đưa ra bảo đảm về thỏa thuận với Iran nhưng sau đó đơn phương rút khỏi; cam kết đảm bảo an ninh cho Libya để đổi lấy phi hạt nhân rồi sau đó chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi sụp đổ”. 

Tương tự, trong một động thái bất ngờ, sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận chung Mỹ Hàn trong khi tiếp tục đàm phán với Triều Tiên. Ông Trump cũng cho rằng các cuộc tập trận này “rất tốn kém” và “mang tính khiêu khích”, thậm chí còn đề cập đến khả năng rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực thi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Điều này cho thấy, kể cả Washington có cam kết với các đồng minh lâu năm đến đâu thì lợi ích của nước Mỹ vẫn được đặt lên trên hết. Mặc dù vậy, nếu xem đây là một vụ “giao dịch chính trị” như lời Tổng thống Trump phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh, một số chuyên gia Mỹ lại chỉ rõ không gian Washington đang mở ra với Bình Nhưỡng và cũng như chính sự mơ hồ của nội dung Tuyên bố chung tạo cho Mỹ nhiều cơ hội hơn để tiếp tục thương lượng với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng không thể thực hiện cam kết từ bỏ hạt nhân của mình trong khoảng thời gian ngắn, do đó cần phải tiếp tục theo dõi quá trình từng bước phá hủy các cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nghị quyết của Liên hợp quốc  “đã quy định cơ chế nới lỏng và chúng tôi nhất trí các cơ chế này sẽ được cân nhắc vào thời điểm thích hợp”. Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết, cả ba nước Nhật-Trung-Hàn đều đồng thuận rằng cần tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cho tới khi nước này hoàn tất mục tiêu phi hạt nhân hóa. Ông nhắc nhở Bình Nhưỡng cần hiểu sẽ có một cuộc kiểm chứng sâu rộng việc này.