Khi bác sĩ "bắt tay" với bọn buôn nội tạng

ANTD.VN - 5 bác sĩ, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bệnh viện tư nhân LH Hiranandani tại Ấn Độ đã bị bắt hôm 9-8 vì có liên quan đến đường dây buôn bán thận bất hợp pháp. Theo cáo buộc, những đối tượng này đã dụ dỗ các nạn nhân bán thận với giá khoảng 300.000 rupi, sau đó chúng bán lại với giá cao gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần.

Thị trường đen buôn bán thận

Ông Ashok Dudhe, một quan chức cảnh sát Mumbai, cho biết, những bị cáo này mới bị bắt hôm 9-8 sau khi Chính phủ có kết quả điều tra chính thức. Theo Reuters, cảnh sát phát giác đường dây buôn bán thận tại Bệnh viện LH Hiranandani ở TP Mumbai sau khi nhận được tin báo về các vụ ghép thận diễn ra bên ngoài bệnh viện do chính các bác sĩ tại đây lên lịch.

Trong số đó có một hồ sơ đáng ngờ về lịch phẫu thuật ghép thận của một người phụ nữ hiến thận cho chồng. Hôm 14-7, cảnh sát ập vào bệnh viện ngay giữa lúc một ca phẫu thuật ghép thận diễn ra và phát hiện 2 người được phẫu thuật không phải vợ chồng như giấy tờ ghi.

Theo trang SBS, kết quả điều tra cho thấy kẻ đứng sau những phi vụ này là một người tên Bhijendra Bisen. Bisen cùng các con buôn khác chuyên dụ dỗ những người nghèo ở bang Gujarat bán thận với giá khoảng 3.000 USD, sau đó bán lại ở chợ đen để thu mức lợi nhuận khổng lồ.

“Chúng tôi đã phát hiện 5 trường hợp bán nội tạng trong năm nay và đã bắt giữ 5 người đàn ông, tịch thu căn cước giả, đĩa CD, các tập tin và tài liệu. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và tôi tin rằng, số nạn nhân không dừng lại ở đây”, một sĩ quan cảnh sát đề nghị giấu tên cho biết.

Cảnh sát TP Mumbai, Ấn Độ đã quyết định mở rộng chiến dịch truy quét đường dây buôn bán thận vừa bị phát hiện tại Bệnh viện LH Hiranandani ra nhiều thành phố khác và toàn bộ nhân viên của bệnh viện này đều bị triệu tập để điều tra.

Đến thời điểm hiện tại, có 14 người bị bắt giữ, trong đó có 1 người hiến thận, 1 người nhận và một số kẻ trung gian trong vụ mua bán. Theo Reuters, những người bị bắt gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc y khoa và 3 bác sĩ của Bệnh viện LH Hiranandani. Các bác sĩ trên đều bị kết án theo đạo luật về cấy ghép nội tạng người ban hành năm 1994. Giới chức Bệnh viện LH Hiranandani hiện chưa phản hồi.

Theo cảnh sát, các nạn nhân của đường dây buôn bán thận đến từ nhiều nơi trên lãnh thổ Ấn Độ, trong đó có bang Tamil Nadu và Tây Bengal. Phần lớn các nạn nhân tìm đến con đường bán thận là vì nghèo đói và cần tiền để trang trải cuộc sống. Những kẻ buôn người đã tìm cách để người bán thận được vào Bệnh viện LH Hiranandani và thực hiện các thủ tục cần thiết.

Lợi nhuận khổng lồ

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường buôn bán nội tạng ở Ấn Độ bùng nổ do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép. Ước tính có hàng triệu người Ấn Độ mắc bệnh thận, phần lớn là biến chứng của bệnh tiểu đường. Theo đánh giá của Mạng lưới nhận thức cho và nhận bộ phận (The Organ Receiving and Giving Awareness Network  - ORGAN), mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 người cho thận ở Ấn Độ, nhưng nhu cầu lại lên đến hơn 500.000 quả.

Tình trạng thiếu thận ghép đã dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại của thị trường chợ đen mua bán thận. Cầu nhiều nhưng cung ít, nên giá mua một quả thận vào khoảng 60.000 USD trên thị trường chợ đen, thậm chí lên đến 160.000 USD. Nhưng người bán chỉ nhận được trên dưới 100 USD, những kẻ trung gian hưởng lợi gần như ăn trọn.

TS.BS Rishi Raj Kafle, Giám đốc điều hành Trung tâm Thận quốc gia tại Kathmandu, nói: “Không ai chết vì bán thận, nhưng trước mắt những người này đều cảm nhận họ bị các vấn đề vì thiếu thận: cao huyết áp, sức khỏe sa sút, thậm chí suy thận còn lại”.

Biết thế, nhưng người nghèo không còn chọn lựa nào khác. Ở những ngôi làng nghèo khó như Hokshe, nếu làm việc cật lực mỗi ngày, một người chỉ kiếm được 2 USD. Người nghèo cần tiền để mua thức ăn và chi trả nhu cầu cấp bách. Trước mắt họ cần sống dù biết rằng mai đây họ sẽ bệnh tật và chết.

Bởi thế, thị trường đen mua bán thận gần như không thể triệt phá. Một bệnh viện tư tên tuổi như Hiranandani còn dính dáng, dù họ cho rằng mình bị lừa gạt. “Việc sử dụng giấy tờ giả để lấy nội tạng cấy ghép là một tội phạm hình sự. Bệnh viện cũng là nạn nhân của một hoạt động lừa đảo mua bán thận ngay trong bệnh viện. Chúng tôi kêu gọi cảnh sát tiến hành cuộc điều tra quy mô, nhanh nhất có thể để làm sáng tỏ chân tướng vụ việc”, phát ngôn viên của Bệnh viện Hiranandani cho biết.