IS giàu sụ nhờ khai thác dầu, bán ma túy, buôn người và nội tạng?

ANTĐ - Những nguồn thu nhập khủng của IS bắt đầu lộ ra, đó là dầu mỏ, thuế nặng, cướp đoạt cổ vật, bán ma túy, buôn người và nội tạng…

Khai thác và bán dầu ở Iraq và Syria

Khi nói về IS, các chuyên gia quốc tế tuyên bố, họ chưa bao giờ thấy một "tổ chức khủng bố giàu đến thế”. IS được cho là giàu gấp hàng trăm lần nhóm khủng bố khét tiếng Al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin-Laden. Vậy tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" IS lấy tiền từ đâu ra?

Phần lớn các chuyên gia nhận định rằng, nguồn thu nhập chính của chúng là bán dầu thô khai thác từ khu vực chiếm đóng ở Iraq và Syria. Hàng tháng, IS có thể thu được tới 50 triệu USD từ tiền bán dầu với giá bằng 1 nửa, thậm chí là 1/3 so với giá thị trường.

Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho thấy, IS kiếm được tới 500 triệu USD mỗi năm nhờ việc bán dầu trái phép ở những vùng do chúng kiểm soát. Hiện tổng ngân sách của IS đã lên tới vài tỷ USD từ các nguồn cung là bán dầu, quá cảnh ma túy, buôn nội tạng…

Đánh thuế nặng và buôn lậu

Ngoài ra, bà Loretta Napoleoni, tác giả cuốn sách về vấn đề IS và tái phân chia Trung Đông, lại cho rằng, dầu mỏ không phải là nguồn thu nhập chính của IS. Nguồn quan trọng nhất là thuế khóa nặng nề tại lãnh thổ do chúng kiểm soát, nơi có khoảng 8 triệu người sinh sống.

Tiền thu nhập từ đánh thuế kinh doanh và đương nhiên từ thuế khai thác dầu. Ai kiểm soát dầu và buôn lậu dầu mỏ đều phải trả tiền cho cái gọi là "chính phủ" của “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng.

Buôn lậu tất cả các loại hàng hóa cũng đóng vai trò hệ trọng trong các nguồn thu của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo”, trong đó có việc buôn lậu di dân.

Nhiều tiền giúp IS có thể mua sắm trang bị, vũ khí hiện đại và chiêu mộ binh lính

IS áp thuế với bất kỳ người nào vượt qua biên giới. Hầu hết quá trình di chuyển đó diễn ra dưới sự quản lý những đầu nậu tổ chức dòng chảy người di cư trên địa bàn của "Nhà nước Hồi giáo". Đây cũng là khoản thu rất lớn, khoảng chừng 500.000 euro mỗi tuần.

Bán nội tạng

Ông Said Mamuzini, đại diện của đảng Dân chủ Kurdistan Iraq, ở Mosul cho rằng, những nguồn đáng kể mang lại thu nhập “khủng” cho IS là buôn bán ma túy, buôn người, bắt cóc và buôn bán nội tạng người.

Trong cuộc phỏng vấn của đài "Sputnik", ông kể rằng các chiến binh IS sau khi chiếm thành phố chính của Iraq là Mosul liền mở ngay cái gọi là "Trạm xá chuyên khoa" mang tên cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, vào ngày 13-7-2015, để mổ lấy nội tạng người đem bán.

Các ca phẫu thuật cắt tạng do bác sĩ của IS tiến hành. Các chiến binh cắt lấy những bộ phận trong cơ thể người dân địa phương - những người đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, bởi không có việc làm và không được phép đi ra ngoài thành phố, để bán cho những khách hàng giàu có.

Ngoài ra, chúng lấy nội tạng từ những người chống đối lại quan điểm và tư tưởng IS và sau đó bán ra trên thị trường chợ đen cho những người cần ghép tạng. Bằng cách này, IS có thêm nguồn thu khổng lồ vào vốn tài chính của chúng.

Buôn bán và “bảo kê” quá cảnh ma túy

Khai thác dầu ở các mỏ chiếm được ở Iraq và Syria cũng khiến IS giàu sụ (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp của Ủy ban đấu tranh chống ma tuý của bốn quốc gia Trung Á, được tổ chức vào ngày 28 tháng 10, Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát ma túy, ông Viktor Ivanov tuyên bố rằng, mafia ma túy cũng là một nguồn cung tài trợ chính cho tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

Theo dữ liệu của Cơ quan kiểm soát ma tuý Liên bang Nga, quy mô buôn bán ma túy trên các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát là rất lớn, tổ chức khủng bố này đã kiếm được khoảng một tỷ USD từ việc vận chuyển các chất ma túy, quá cảnh vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát.

Nhà phân tích chính trị Iran kiêm Tổng biên tập tờ báo "Iran News" Emad Abshenass nói rằng, trong những khu vực mà IS có ảnh hưởng và quyền lực, việc mua bán ma tuý là chuyện bình thường. Ngoài ra, nhiều chiến binh IS cũng có thói quen sử dụng các loại thuốc hướng thần.

Cướp đoạt tác phẩm nghệ thuật, cổ vật

Ngoài ra, theo nhà phân tích chính trị Iran, kiêm Tổng biên tập tờ báo "Iran News" Emad Abshenass, để có nguồn cung tài chính bổ sung, IS còn sử dụng những phương pháp khác bị pháp luật quốc tế nghiêm cấm, kể cả việc buôn bán bất hợp pháp các tài sản văn hóa.

Theo dữ liệu của UNESCO, các di sản văn hóa vật thể tại Syria bị đánh cắp đại trà, những tên tội phạm cướp tác phẩm nghệ thuật từ bảo tàng và bán ra trên thị trường chợ đen.

Trong một cuộc phỏng với hãng "Rossiyskaya Gazeta", bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết rằng, doanh thu khổng lồ từ việc buôn lậu đồ cổ từ Syria là nguồn tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, để mua vũ khí và trang thiết bị và trả lương cho các chiến binh.