IS bại trận, cuộc chiến ở Iraq liệu đã chấm dứt?

ANTD.VN - Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang ở thời điểm bước ngoặt khi Iraq tuyên bố đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát đất nước từ tay IS.

Người dân Iraq trở lại nhà sau khi quân IS bị đẩy lui

Hôm 9-12, tướng Abdul-Amir Rasheed Yar Allah, chỉ huy cấp cao của quân đội Iraq, thông báo: “Tất cả lãnh thổ của Iraq đều đã được giải phóng khỏi bọn khủng bố Daesh (tên viết tắt của IS). Lực lượng của chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát khu vực biên giới Iraq-Syria”. 

Ra đời năm 2003 khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ Tổng thống S. Hussein, từ những nhóm tàn quân cùng các tay súng của những thủ lĩnh địa phương, IS đã từng bước lớn mạnh. Mùa hè năm 2014, IS bất ngờ đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Iraq và Syria để lập ra Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đồng thời áp đặt luật lệ của mình với 10 triệu người trong vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát.

Việc IS dễ dàng đánh chiếm thành phố Mosul lớn thứ hai Iraq, buộc quân đội Iraq để lại toàn bộ vũ khí và thiết bị quân sự bỏ chạy tán loạn đã khiến dư luận bất ngờ. Mosul bị chiếm làm trung tâm tài chính và trở thành thủ phủ của IS, buộc Mỹ và liên quân với sự tham gia của nhiều nước phương Tây phải trực tiếp nhảy vào can dự. 

3 năm rưỡi qua là giai đoạn đối đầu dai dẳng giữa IS và liên quân do Mỹ đứng đầu. Bước ngoặt trên chiến trường diễn ra hồi tháng 7-2017, khi quân đội Iraq với sự yểm trợ của liên quân tái chiếm thành trì Mosul của IS. Trên đà thắng lợi, lực lượng Iraq mở cuộc phản công tổng lực và đến tháng 11 vừa rồi thì tái chiếm thị trấn Rawah gần biên giới Syria, căn cứ cuối cùng của IS tại nước này.

Giờ đây, khi lực lượng của IS chỉ còn là những đám tàn binh ẩn náu sâu trong các vùng sa mạc phía Tây, câu hỏi đặt ra là cuộc chiến ở Iraq liệu đã kết thúc? 

Ngay những người trong cuộc cũng chưa dám tự tin. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng xét về quan điểm quân sự, IS đã bị đánh bại. Nhưng ông sẽ chỉ tuyên bố chiến thắng cuối cùng sau khi các tay súng IS bị đánh bại tại khu vực sa mạc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert thừa nhận: “Hoa Kỳ cùng Chính phủ Iraq nhấn mạnh rằng việc giải phóng Iraq không đồng nghĩa với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và thậm chí là chống IS, tại Iraq đã kết thúc”.

Đài BBC cũng có nhận định tương tự khi cho rằng dù IS có thực sự bị đánh bại tại Iraq, các cuộc tấn công khủng bố ở đây vẫn có thể xảy ra, dù ở cấp độ thấp hơn trước. Những thị trấn, thành phố tại Iraq vẫn là mục tiêu của các phần tử thánh chiến đánh bom tự sát và các điều kiện để nhóm phiến quân cực đoan hồi phục trở lại vẫn còn, không loại trừ nguy cơ IS có thể chiếm đóng lãnh thổ Iraq trở lại.

Chưa hết, Iraq đang phải đối mặt với thách thức tái thiết đất nước. Cuộc chiến kéo dài đã tàn phá nhiều khu vực, trong khi hàng triệu người dân Iraq vẫn còn đi sơ tán. Cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài 9 tháng tại Mosul đã khiến nơi đây bị tàn phá tan hoang, hàng nghìn người dân thường bị giết hại và gần 1 triệu người khác phải di tản. LHQ dự đoán rằng cần phải có khoản kinh phí hơn 1 tỷ USD để tái thiết cơ sở hạ tầng cơ bản ở Mosul. 

Việc đánh bại IS cũng chưa đồng nghĩa với an toàn cho người dân Iraq. Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết có khoảng 3,2 triệu người không dám trở về nhà sau chiến tranh, trong khi 11 triệu cư dân khác cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Không ngăn chặn được nghèo đói và tình trạng vô chính phủ, bất ổn sẽ bùng phát và đó là cơ hội để IS quay trở lại.