FBI ưu tiên đối phó với các phần tử sói đơn độc và quan tâm đặc biệt đến các công ty Trung Quốc

ANTD.VN -Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray ngày 16-5 cho biết, cơ quan này hiện đang tiến hành 1.000 cuộc điều tra về những nghi can khủng bố "sói đơn độc" và 1.000 cuộc điều tra khác về các phần tử khủng bố "nội địa" ở Mỹ. Đồng thời, ông Wray thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới các công ty của Trung Quốc đầu tư trên đất Mỹ.

Phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Chuẩn chi ngân sách của Thượng viện Mỹ, ông Wray nhấn mạnh ưu tiên cao nhất của FBI đối với các hoạt động chống khủng bố trong lúc này là chống các phần tử khủng bố "sói đơn độc". 

Ông Christopher Wray điều trần trước Ủy ban Chuẩn chi ngân sách của Thượng viện Mỹ

Hiện cơ quan trên đã tiến hành khoảng 1.000 cuộc điều tra về những nghi can khủng bố loại  này tại tất cả các bang của Mỹ, không kể những cuộc điều tra về mạng lưới al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)... 

Quan chức FBI nêu rõ việc ngăn chặn những đối tượng này là hết sức khó khăn do chúng thường chọn các "mục tiêu mềm" và các loại vũ khí dễ sử dụng khi tiến hành khủng bố. 

FBI cũng đang tiến hành 1.000 cuộc điều tra khác về các phần tử khủng bố ở trong nước, trong đó có các phần tử có quan điểm cực đoan cánh hữu hoặc các tay súng cực đoan cánh tả. 

Cũng trong buổi điều trần, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, ông "rất quan tâm" đến các công ty nước ngoài như ZTE (công ty truyền thông và sản xuất điện thoại đi động Trung Quốc) được tiếp cận với mạng viễn thông của Mỹ, vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump gây tranh cãi khi thể hiện sẵn lòng cứu nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc này.

Ông Wray đã nói với các nhà lập pháp tại Ủy ban Chuẩn chi ngân sách rằng ông sẽ không bình luận công khai về một công ty cụ thể nhưng FBI vẫn lo ngại, bất kỳ công ty nào được chính phủ nước ngoài ưu đãi, không chia sẻ lợi ích với nước Mỹ và nắm giữ vị trí quyền lực trong mạng viễn thông của Mỹ đều trở thành mối quan tâm của FBI.

“Điều đó mang lại cho họ khả năng tung các thông tin độc hại, đánh cắp thông tin, tiến hành các hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện, mang lại cho họ khả năng gây áp lực hoặc kiểm soát", ông Wray nói thêm.

Phát ngôn này của ông Wray đang phải đối mặt với quan điểm đầy bất ngờ của tổng thống Trump chia sẻ trên tweet hôm chủ nhật,13-5: “Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất".

ZTE có thực sự “bị oan” trong cuộc chiến thượng mại Mỹ-Trung Quốc?

ZTE, nhà sản xuất thiết bị điện thoại và viễn thông lớn của thế giới, đã tuyên bố vào tuần trước rằng họ đã ngừng hoạt động tại Mỹ sau khi bị chính quyền ông Trump cấm các công ty Mỹ cung cấp cho những linh kiện quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết ông đang làm việc với chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để đưa công ty này trở lại.

Nhà Trắng sau đó đã đưa ra một tuyên bố rằng Tổng thống Trump "hy vọng" Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross "thực hiện quyền phán quyết độc lập của mình, phù hợp với luật và quy định hiện hành để giải quyết các hành động pháp lý liên quan đến ZTE"Tình trạng hiện tại của ZTE thể hiện rõ nhất hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, công ty đang sử dụng khoảng 75.000 nhân công. Đây cũng là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 tại Mỹ.

Tháng trước, chính quyền Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện hoặc cung cấp dịch vụ cho ZTE cho đến năm 2025. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Washington tin rằng ZTE đã vi phạm một thỏa thuận ký kết vào năm ngoái, trong đó ZTE đồng ý trả 1,2 tỷ USD tiền phạt vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ về Iran và Bắc Triều Tiên.

Sự kiện bất ngờ đã khiến các chuyên gia an ninh quốc gia lo ngại và cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng các công ty trong nước đang đặt chân ở nước ngoài để theo dõi các nước sở tại.

Wray thừa nhận rằng ông không biết bất kỳ quan điểm nào của tổng thống được chia sẻ trên tweet về vấn đề này. "FBI rất coi trọng nghĩa vụ của mình là bảo vệ an ninh quốc gia”, ông nói thêm. Wray là quan chức an ninh quốc gia mới nhất dường như bị chia rẽ với tổng thống về vấn đề ZTE.

Đầu tuần này, các lãnh đạo hàng đầu về an ninh và quốc phòng Mỹ đã chỉ ra rằng ZTE có thể gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khi công ty này cũng cấp các công cụ tiềm năng cho các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Lầu Năm Góc gần đây đã ngừng bán điện thoại do ZTE sản xuất tại các cửa hàng bán lẻ trên tại các căn cứ quân sự trên khắp thế giới.

Theo các nguồn tin khác nhau, chính quyền của ông Trump coi tình hình ZTE như một quân bài trong các cuộc đàm phán thương mại hoặc cho sự hợp tác của Trung Quốc đối với Triều Tiên.