Đòn "độc" mới của Mỹ với Triều Tiên

ANTD.VN - Mặc dù liên tục đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn nhưng xem ra Mỹ vẫn ưu tiên tập trung vào các biện pháp ngoại giao trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Đòn "độc" mới của Mỹ với Triều Tiên ảnh 1Bản đồ mô tả những khu vực có thể bị đe dọa bởi tên lửa của Triều Tiên

Phát biểu tại một sự kiện ở bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo cuộc chiến với Triều Tiên sẽ là thảm kịch mà không cần mô tả gì thêm ngoài sự thật rằng nó sẽ rất thảm khốc. Ông cho biết nhiệm vụ và trách nhiệm của ông là chuẩn bị sẵn sàng các phương án quân sự “trong trường hợp cần đến”. Tuy nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ hiện tập trung vào các biện pháp ngoại giao, các nỗ lực này đang mang lại kết quả và Washington muốn duy trì theo phương hướng đó. 

Ông James Mattis đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang. Hôm 9-8 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa chiến lược tầm trung Hwasong-12. Chỉ một ngày sau đó, chi tiết của kế hoạch trên đã được tiết lộ.

Theo đó, Triều Tiên sẽ bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào Guam vào giữa tháng 8. Các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7 km và rơi xuống vị trí cách Guam khoảng 30 đến 40 km.

Đòn "độc" mới của Mỹ với Triều Tiên ảnh 2Căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam

Khỏi phải nói Nhà Trắng bức xúc thế nào trước lời đe dọa của Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức cảnh báo rằng, Triều Tiên cần “rất, rất lo sợ” nếu nghĩ đến việc tấn công Mỹ và tuyên bố trút “lửa thịnh nộ” xuống Bình Nhưỡng nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ. Trên đảo Guam, nơi có khoảng 163 nghìn người dân và 1 căn cứ quân sự của Mỹ gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú, giới chức đảo Guam cùng với quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.

Tuy nhiên, triển khai ngay các biện pháp quân sự để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên là điều không dễ dàng. Việc điều một tàu sân bay với hàng nghìn nhân viên và hàng chục máy bay chiến đấu cần phải có thời gian. Sớm nhất thì Mỹ cũng chỉ kịp tăng cường các khí tài chiến lược như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng này theo kế hoạch tập trận thường niên chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Đòn "độc" mới của Mỹ với Triều Tiên ảnh 3Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ được triển khai trên đảo Guam

Có lẽ vì thế mà giải pháp ngoại giao vẫn được nhắc tới trước tiên nhưng gián tiếp thông qua việc gây sức ép về kinh tế với Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.  Phát biểu với các phóng viên hôm 10-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Tôi nghĩ họ (Trung Quốc) có thể và sẽ làm nhiều hơn thế. Chúng tôi đã mất hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho trao đổi thương mại với Trung Quốc. Việc này không thể tiếp diễn”.

Tuyên bố của ông Donald Trump không phải ngẫu nhiên. Ngay từ hồi tháng 4-2017, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Donald Trump đã nói thẳng: “Khả năng có một hiệp định thương mại với Mỹ sẽ lớn hơn nhiều cho Trung Quốc nếu họ giải quyết được vấn đề Triều Tiên!”. Ông Donald Trump cũng cảnh báo: “Nếu Trung Quốc quyết định giúp, điều đó sẽ rất hay. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề mà không có Trung Quốc!”.

Trước mắt, có tín hiệu cho thấy Mỹ dường như đã tạm hoãn việc thi hành các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên, nhằm cho Bắc Kinh thêm thời gian để nước này chứng tỏ việc thực thi nghị quyết trừng phạt mới mà LHQ mới thông qua nhằm vào Bình Nhưỡng. Biện pháp gây sức ép gián tiếp này với Triều Tiên được mô tả là đòn “độc” của Mỹ với Bình Nhưỡng. Nhưng nó có khiến Triều Tiên phải xuống thang hay không thì còn chưa rõ.