Đòi công lý cho cô gái Sudan 19 tuổi đâm chồng mới cưới để tự vệ

ANTD.VN - Bị ép buộc kết hôn năm 16 tuổi, Noura Hussein, một phụ nữ Sudan mới 19 tuổi đang phải đối mặt với án treo cổ vì đã đâm chết người chồng khi bị anh ta cưỡng bức. Phong trào đấu tranh bảo vệ Noura Hussein đang lan rộng khắp Sudan và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Ngày 10-5, Tòa án đã phán quyết Noura Hussein án tử hình vì tội giết người sau khi gia đình chồng từ chối nhận bồi thường. Bản án được cho là bất công đối với người phụ nữ trẻ này đã khơi dậy một chiến dịch đòi công lý cho Noura Hussein.

Đòi công lý cho cô gái Sudan 19 tuổi đâm chồng mới cưới để tự vệ ảnh 1Những người ủng hộ theo dõi phiên tòa xử vụ án của Noura Hussein ngày 10-5

Án mạng từ hôn nhân ép buộc và 15 ngày kháng án

Hussein cho biết, cha cô đã gả cô cho người họ hàng tên là Abdulrahman Mohamed Hammad khi cô mới chỉ 16 tuổi. Chỉ muốn hoàn tất việc học nên Hussein phản đối hôn nhân ép buộc bằng cách lánh nạn ở nhà người thân trong 3 năm. Tuy nhiên, “hợp đồng hôn nhân” vẫn tiếp tục mà không có sự đồng ý của cô. 

Cô về nhà ở ngoại ô Thủ đô Khartoum hồi tháng 4-2018 sau khi người cha nói rằng đám cưới đã bị hủy. Tuy vậy, Hussein phát hiện cô bị lừa và cha mẹ cô buộc cô phải chuyển đến ở với Hammad vào tháng 4-2017. Hussein nói cô đã từ chối quan hệ với chồng sau lễ cưới nhưng đến ngày 2-5-2017, anh ta đã cưỡng hiếp cô với sự trợ giúp của 3 người thân.

Ngày hôm sau, anh cố cưỡng bức lần nữa nhưng cô gái đã kháng cự quyết liệt và lấy được con dao chống trả. Sau sự việc, Hussein đã về với gia đình, nhưng lo sợ bị nhà chồng trả thù, cha Hussein đã đưa con mình tới cảnh sát. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Hussein đã bị bắt giam kể từ đó. Sau phán quyết của tòa ngày 10-5, Hussein có 15 ngày kháng án.

Luật Sudan: Hiếp dâm trong quan hệ hôn nhân không phải là tội ác?

Theo Luật Sudan có hiệu lực từ năm 1991, hành vi hiếp dâm trong quan hệ hôn nhân không được coi là hãm hiếp và do đó không phải là tội ác. Những người ủng hộ Hussein đã tụ tập tại Tòa án ở Omdurman, thành phố lớn thứ 2 của Sudan trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa. Sau khi tòa tuyên án, Badr Eldin Salab (26 tuổi), một nhà hoạt động của Phong trào Thanh niên Afrika cho rằng vụ việc đã nói lên sự bất công mà phụ nữ phải đối mặt trong hệ thống pháp lý của Sudan. “Vụ việc của Noura gắn với sự bất công bởi luật và chính sách của Sudan theo Luật Sharia của Hồi giáo”.

Vụ án đã nhận được sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông cũng như các tổ chức quốc tế. Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng như những cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về châu Phi đã ngay lập tức kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Omar Hassan al-Bashir khoan hồng cho Hussein. Một bản kiến nghị của trang web Change.org đã thu được hơn 300.000 chữ ký ủng hộ trong khi Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã khởi xướng một chiến dịch viết thư lên tiếng thay cho Hussein. 

“Nhà chức trách Sudan phải bãi bỏ bản án bất công này và đảm bảo rằng Noura Hussein được xét xử lại một cách công bằng cùng với xem xét các tình tiết giảm nhẹ” - Seif Magango, Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá quốc tế khu vực Đông Phi cho biết - “Noura Hussein là một nạn nhân và phán quyết đối với cô ấy là một hành vi tàn nhẫn không thể chấp nhận được”. 

“Trường hợp như Noura không phải là duy nhất hoặc chưa từng có. Tôi cảm thấy rằng nếu chúng ta không đứng lên đòi công lý cho cô ấy, sau này sẽ không còn ai. Và nếu chúng ta không đưa vấn đề ở cả trong nước hay quốc tế, cô ấy sẽ trở thành một nạn nhân của một hệ thống tư pháp bất công”, bà Randa Elzein, thành viên của Trung tâm Seema, Tổ chức có trụ sở ở Khartoum đấu tranh vì công lý cho Hussein khẳng định.

Phụ nữ Sudan từ lâu được đánh giá là bị thiệt thòi khi Sudan xếp hạng thứ 140 trên tổng số 159 quốc gia về bất bình đẳng giới theo một báo cáo của Liên hợp quốc. Còn theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, 1/3 số phụ nữ của nước này kết hôn trước tuổi 18, thậm chí việc bé gái kết hôn ở tuổi lên 10 cũng được coi là chấp nhận được.