Đập Tabqa của Syria bị tấn công: Nguy cơ vỡ "bom nước" và thảm họa khôn lường

ANTD.VN - Ngày 26-3, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã cảnh báo trên trang mạng Amaq chính thức rằng, đập Tabqa nằm ở phía tây tỉnh Raqqa đang trên bờ vực đổ vỡ sau khi ngừng hoạt động và toàn bộ các cửa xả lũ đều bị đóng, có nguy cơ gây nên sự hủy diệt khôn lường.

Vài nét về đập Tabqa

Đập Tabqa nằm trên sông Euphrates cách sào huyệt Rapqa của IS khoảng 40km, và là nơi lực lượng Arab và Kurd được Mỹ hậu thuẫn đang tìm cách chiếm lại từ tay tổ chức này. Tổ chức IS sử dụng đập Tabqa làm át chủ bài chiến lược, khi chúng là nơi ẩn náu cho các thủ lĩnh cấp cao và giam giữ các tù nhân giá trị.

Đập Tabqa cao 61 mét, dài gần 5 km, chiều rộng thành đập phía trên 19m, đế 512m, nằm cách thành phố Raqqa, thủ phủ của nhóm khủng bố IS, khoảng 40km về phía tây và và bị IS chiếm từ năm 2013.

Toàn cảnh đập Tabpa - quả "bom nước" trong kiểm soát của khủng bố IS

Được xây dựng trong các năm từ 1968 đến 1970 nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, với chi phí xây dựng lên đến 340 triệu USD, con đập này kiểm soát dòng chảy của sông Euphrates vào đông nam Syria và miền bắc Iraq.

Nó đã tạo ra hồ tự nhiên Assad lớn nhất Syria với độ dài khoảng 80km, diện tích bề mặt 612 km2, và là hồ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện có công suất 824 MW.

Nguy cơ vỡ đập - "khai hỏa bom nước" 

IS cho biết, đập Tabqa đã ngừng hoạt động do hư hỏng nguồn cấp điện chính, các thiết bị và các bộ phận của đập hoàn toàn không hoạt động, tất cả các cửa xả lũ của đập đã bị đóng và đập đã bị vỡ một phần.

Theo nhóm khủng bố này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đập Tabqa ngừng hoạt động, bị hư hại và có nguy cơ bị vỡ hoàn toàn là do các cuộc tấn công của các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu vào đập trong những ngày qua, cũng như mực nước ngày càng dâng cao.

IS cho rằng, họ không thể gửi nhóm kỹ thuật bảo trì đến đập để khắc phục sự cố vì những vụ không kích và pháo kích của SDF và liên quân liên tiếp diễn ra trong khu vực.

Lực lượng dân quân người Kurd đã hơn một lần đánh chiếm đập Tabqa nhưng sau đó bị khủng bố IS đánh chiếm lại. Những công trình xây dựng xung quanh đập trở thành căn cứ và là trung tâm chỉ huy, điều hành, huấn luyện chiến binh của lực lượng khủng bố IS.

Ngày 26-12-2016, lực lượng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tiến hành vụ không kích ác liệt đánh vào đập thủy điện Tabqa, tiêu diệt một thủ lĩnh IS người Kô oét Abu Jandal al-Kuwaiti. Tiếp đó, ngày 26-2-2017, liên minh này tiến hành một vụ không kích khác cách thân đập khoảng 100m. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ không kích của không quân liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh vào khu vực đập Tabqa.

Thảm họa khôn lường nếu quả "bom nước" được "kích hoạt"

Với diện tích bề mặt hơn 600 km2, nên nếu bị vỡ thì hàng tỷ m3 nước sẽ tràn xuống vùng hạ lưu trù phú phía đông, khiến toàn bộ khu vực rộng lớn, trong đó có thành phố Raqqa chìm trong biển nước.

Vị trí đập Tabpa lớn nhất Syria

IS đã quyết giữ bằng được đập Tabqa vì nếu con đập này bị phá hủy, thì ngoài việc gây nên tình trạng ngập lụt cho nhiều khu vực rộng lớn thì nó cũng khiến gần như toàn bộ miền đông Syria có nguy cơ bị cắt điện hoàn toàn.

Khi đó, đây sẽ là một thảm họa kinh hoàng không thể diễn tả được cho các khu vực dân cư xung quanh đập này, đồng thời nó còn hủy diệt các cơ sở hạ tầng dân sinh ở miền đông Syria.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói rằng: “Nếu đập Tabqa bị vỡ, đây sẽ là một thảm họa”. Vì vậy, các quan chức quân sự Mỹ đã thận trọng tránh không kích các địa điểm mà họ cho là có khả năng gây ra thiệt hại không mong muốn đối với con đập.

Ông Hassan Hassan, chuyên gia từ Viện Tahrir về Chính sách Trung Đông ở Washington nhận xét rằng, đập Tabbqa có vai trò rất quan trọng, “nếu ai đó không kích chúng, toàn bộ khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp".