Con bò và lệnh cấm ở bang Uttar Pradesh

ANTD.VN - Chỉ vì một lệnh cấm các cơ sở giết mổ bất hợp pháp, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ rơi vào tình trạng căng thẳng khi những người phản đối lệnh cấm đổ ra đường biểu tình. 

Bò đi hoang trên đường phố Uttar Pradesh

Lệnh đóng cửa đột ngột các cơ sở giết mổ bất hợp pháp ở bang Uttar Pradesh đã khiến những người buôn thịt rơi vào cảnh bị động. Không làm ăn được, thua lỗ nhiều, họ đổ ra đường biểu tình và trút giận lên các cửa hàng ăn để thể hiện sự phản đối. Một nhà hàng hàng trăm năm tuổi tại thủ phủ Lucknow, Uttar Pradesh thậm chí đã phải dừng bán món bánh thịt bò đặc sản có tên là “Tunday Kebab” vì lệnh cấm khiến nguồn cung thịt bò bị thiếu.

Ấn Độ hiện đang sở hữu đàn gia súc 300 triệu con và là nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ năm thế giới. Riêng Uttar Pradesh là bang sản xuất thịt chủ lực trong giai đoạn 2015-2016. Vì thế, lệnh cấm này được xem như đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất thịt của Uttar Pradesh, khiến nhiều chủ cơ sở giết mổ rơi vào cảnh điêu đứng.

Câu chuyện cấm ở Uttar Pradesh xuất phát từ một vấn đề phức tạp hơn trong văn hóa của người Ấn Độ gắn liền với bò - loài vật thiêng liêng vốn được tôn thờ như những vị thần ở nước này. Vì bò là động vật bị nghiêm cấm giết thịt ở phần lớn các bang nên số lượng “bò đi hoang” ở Ấn Độ ngày càng đông hơn. Với những người vô gia cư, những đối tượng bị coi là tầng lớp “dưới đáy xã hội” và những tên đạo chích, đây là mục tiêu dễ dàng để có thể kiếm ra tiền.

Khi màn đêm buông xuống, từ các ngõ ngách tối tăm tại các khu ổ chuột như ở ngoại ô New Delhi, những băng nhóm trộm cắp bắt đầu hoạt động. Bò bắt trộm thường được vận chuyển đến các bang nghèo hơn như Uttar Pradesh để giết mổ, mặc dù nó là bất hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang về vận chuyển động vật qua biên giới bang để làm thịt.

Trung bình, mỗi con bò trộm được sẽ được các chủ lò mổ bất hợp pháp mua lại với giá khoảng 5.000 rupee (tương đương 94 USD). Mỗi đêm, với một xe tải, bọn trộm có thể bắt được khoảng 10 con bò, và số tiền kiếm được sẽ vào khoảng hơn 900 USD. Các chủ lò mổ sẽ bán chúng cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu thịt bò với cái tên thật là thịt bò, hoặc sẽ bán ra thị trường nội địa với danh nghĩa là thịt trâu dành cho xuất khẩu.

Tại một đất nước vẫn còn hơn 800 triệu người sống dưới mức 2 USD một ngày thì mức thu nhập hơn 900 USD/đêm này quả là có sức cám dỗ không thể cưỡng lại được. Nếu bị bắt và nỗ lực hối lộ cảnh sát bất thành, những tên trộm bò chỉ phải ngồi tù từ 10-15 ngày. Ngay khi ra khỏi tù, bọn chúng lại tiếp tục công việc cũ. 

Số lò mổ cũng “mọc” lên như nấm, phần lớn là bất hợp pháp. Chẳng hạn như ở bang Andhra Pradesh, chính quyền ước tính đang tồn tại khoảng 3.100 cơ sở giết mổ gia súc (chủ yếu là giết mổ trâu và bò), trong khi họ chỉ cấp phép cho sáu cơ sở.

Trước thực trạng này, nhiều đảng phái chính trị ở Ấn Độ đã phải lên tiếng yêu cầu tăng cường giám sát hiệu lực thi hành của luật cấm giết mổ bò vốn đã được ban hành từ nhiều năm nay. Nhiều tổ chức xã hội và cá nhân các tín đồ của đạo Hindu cũng lên tiếng đòi Chính phủ Ấn Độ phải bảo vệ vị trí xã hội và tôn giáo của những con bò. Trong khi chờ đợi nhà cầm quyền lập lại trật tự, những “trung tâm cứu hộ bò” đã được thành lập.

Nhưng lợi nhuận với các lò mổ bất hợp pháp cũng như sự cấp bách của cuộc sống với người nghèo đã khiến việc giết bò vẫn diễn ra. Vì thế, lệnh cấm các cơ sở giết mổ bất hợp pháp ở bang Uttar Pradesh thực chất là nhằm ngăn chặn nạn giết bò để kiếm lời kể trên. Tuy nhiên, nó sẽ tác động đến hoạt động kinh tế của bang Uttar Pradesh. Dự kiến thiệt hại do lệnh cấm này có thể lên đến hơn 7,6 tỷ USD.