Anh rể Nhà vua Tây Ban Nha lĩnh án về tội trốn thuế và tham ô

ANTD.VN - Ông Inaki Urdangarin, nhà cựu vận động viên Olympic môn bóng ném và là chồng của công chúa Tây Ban Nha Cristina vừa bị Tòa án đảo Majorca, Tây Ban Nha tuyên phạt 5 năm 10 tháng tù vì nhiều tội danh, trong đó có tội trốn thuế và tham ô. Vụ lùm xùm này đã chia rẽ Hoàng gia Tây Ban Nha và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của họ trong lòng công chúng.

Sau phán quyết tuần vừa rồi, ông Urdangarin vẫn có quyền kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp quốc gia. Các chuyên gia tin rằng, lựa chọn này là khó xảy ra, vì cơ quan này có truyền thống không nhận bất kỳ kháng cáo nào cho bản án quá 5 năm tù.

Anh rể Nhà vua Tây Ban Nha lĩnh án về tội trốn thuế và tham ô ảnh 1Ông Inaki Urdangarin, cùng vợ mình - công chúa Tây Ban Nha Cristina ra tòa năm 2016

Cả 2 vợ chồng công chúa đều ra tòa

Cáo trạng cho biết, ông Urdangarin (50 tuổi) đã sử dụng mối quan hệ với gia đình Hoàng gia để nhận các hợp đồng của Nhà nước liên quan đến thể thao, sau đó khai vống lên chi phí cho các sự kiện và chuyển tiền ra nước ngoài. Các công tố viên trích dẫn một ví dụ, công ty của ông Urdangarin đã tính phí 1,2 triệu Euro cho một sự kiện du lịch và thể thao kéo dài 2 ngày. Đó là “một mức giá hoàn toàn không cân xứng” dựa trên “ngân sách hư cấu”, bên công tố khẳng định. 

Nhân vật này còn bị cáo buộc cùng với đối tác kinh doanh cũ của mình, Diego Torres, tham ô khoảng 6 triệu Euro thuộc quỹ chung được lập ở Majorca có tên là Quỹ Noos từ năm 2004-2006. Một phần số tiền này đã được chuyển cho một công ty tư nhân để trả tiền cho các khoản chi tiêu gia đình riêng như nghỉ phép, đồ đạc trong nhà và vé hòa nhạc. 

Cuộc điều tra liên quan đến quỹ Noos kéo dài hơn 1 năm, kết quả là 18 người có liên quan phải ra tòa, trong đó có cả Công chúa Crisina, cựu lãnh đạo của quần đảo Balearic cùng một số quan chức cao cấp khác từ các đảo và vùng ven biển Địa Trung Hải của Valencia.

Tháng 2-2017, tòa án tuyên vợ ông Inaki Urdangarin, Công chúa Cristina (51 tuổi) không phạm tội trợ giúp chồng. Tuy nhiên, bà này phải trả một khoản tiền phạt 265.000 Euro với tư cách người hưởng lợi từ hành vi phạm pháp của chồng mình.

Những xáo trộn trong gia đình Hoàng gia

Cặp đôi chuyển đến Geneva, Thụy Sĩ với 4 đứa con của họ sau khi xuất hiện những cáo buộc đầu tiên vào năm 2012. Bà Cristina (51 tuổi) sau đó đã bị cáo buộc 2 tội danh về tòng phạm gian lận thuế. Công chúa Cristina là thành viên đầu tiên của gia đình Hoàng gia Tây Ban Nha bị đưa ra xét xử ở tòa án hình sự.

Để vụ bê bối không ảnh hưởng đến uy thế của Hoàng gia, năm 2014, Vua Felipe VI của Tây Ban Nha đã cắt mọi nghĩa vụ Hoàng gia, đồng thời loại bỏ tước hiệu “Nữ công tước xứ Palma de Mallorca” của chị gái mình trước khi phiên tòa diễn ra. Được biết, Nhà vua Felipe - người lên án nạn tham nhũng trong bài phát biểu Giáng sinh đầu tiên của mình, đã gọi điện cho chị gái nói về ý định của mình. Sau đó, dù rất đau lòng, bà Cristina đã gửi thư điện tử tới gia đình Hoàng gia cho biết muốn từ bỏ tước hiệu. Luật sư Miquel Roca - người được gia đình Hoàng gia ký hợp đồng biện hộ cho bà Cristina cho biết, bức thư cũng đề cập đến “những cáo buộc vô căn cứ” chống lại bà từ Hiệp hội chống tham nhũng Bàn tay sạch Manos Limpias - tổ chức đã khơi lên rất nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến các nhân vật của công chúng.

Manos Limpias đã sử dụng một công cụ pháp lý duy nhất chỉ có ở Tây Ban Nha gọi là “cáo buộc của nhân dân” để mở một cuộc điều tra hình sự chưa từng có tiền lệ vào vợ chồng công chúa Cristina. Họ đề nghị bà Cristina nhận án 8 năm tù cùng hơn 2 triệu Euro tiền phạt.

Vụ việc như “đổ thêm dầu vào lửa”, buộc Nhà vua Juan Carlos phải thoái vị, nhường ngôi cho con trai ông, Vua Felipe VI, vào năm 2014. Năm 2012, cựu hoàng Juan  Carlos đã khiến công chúng giận dữ bởi lối sống xa hoa và chuyến đi săn voi tai tiếng. Trong khi đất nước đang gặp khủng hoảng kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 23%, các tờ báo Tây Ban Nha đã đăng một bức ảnh của Nhà vua Joan Carlos trong chuyến đi săn đến Botswana. Bức ảnh chụp nhà vua đứng trước một con voi chết, mặc dù ông là Chủ tịch danh dự của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF. Sau bê bối này, ông đã phải xin lỗi thần dân và đất nước.