Xuất khẩu lao động một thời

ANTD.VN - Không phải ngẫu nhiên mà từ rất lâu, những người Việt có tay nghề cao đã dịch chuyển lao động ra rộng khắp thế giới.

Xuất khẩu lao động một thời ảnh 1Những người Việt đi lao động ở nước ngoài, đồng lương tuy có nhiều hơn trong nước, nhưng ướt đẫm mồ hôi và nước mắt

Trong cuốn hồi ký khá khách quan của toàn quyền Paul Doumer (1857-1932) về sau đắc cử Tổng thống Cộng hòa Pháp, có nhận xét: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh…, đều thông minh cần cù và dũng cảm. So với dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, họ vẫn xếp cao hơn một bậc”. (Xứ Đông Dương-NXB Thế giới, 2015). Không phải ngẫu nhiên mà từ rất lâu, những người Việt có tay nghề cao đã dịch chuyển lao động ra rộng khắp thế giới. Thế nhưng, cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30-4-1975), thì nói chung ở ta, tuyệt nhiên chưa có thị trường hẳn hoi cho người lao động sang nước khác làm việc. 

Tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngoài một số chuyên gia (thường ở lĩnh vực giáo dục hoặc nông nghiệp) đi công tác nước ngoài tương đối dài hạn, thì những người trẻ khác thuần túy chỉ là đi học. Hồi ấy, những du học sinh phần lớn là tới một số nước Đông Âu. Đấy đáng kể là những thanh niên xuất sắc cả về tài năng và nhân cách. Không hiểu sao họ thường khá giống nhau, cho dù xuất xứ có thể ở nông thôn hoặc thành thị. Đều khôi ngô thông minh trong sáng, bừng bừng một nhiệt huyết đẫm đầy lý tưởng cao cả. Các chàng thường là “soái ca”, là thần tượng không những của lớp mà của toàn trường. 

Nhiều nữ sinh thầm yêu họ lắm. Có nàng thức suốt đêm thêu chữ lồng khó đoán vào khăn mùi xoa, đợi bọn cùng lớp sơ ý thì bẽn lẽn dấm dúi tặng riêng cho chàng. Mà các chàng có để ý gì đâu. Với họ, được học tập ở nước bạn để sau này về phụng sự Tổ quốc là điều tốt. Còn nếu không, khá đông sẵn sàng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Và không hiếm những chàng trai giỏi giang, trẻ măng ấy đã anh dũng ngã xuống trên đất Mẹ, khi phía sâu trong túi áo ngực vẫn nguyên tờ giấy báo đỗ đại học điểm cao chót vót . 

Bây giờ, người ta đi học hay đi lao động ở nước ngoài, mục đích động cơ đã khác nhiều. Tất nhiên, chuyện tần tảo mưu sinh để làm sao đạt hiệu quả kinh tế cao nhất được đặt lên hàng đầu. Không có gì hay dở đúng sai ở đây cả. Ngay ở những ngày ban sơ trong trắng khoảng cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, khi từng đoàn thanh niên nam nữ nườm nượp đi “hợp tác lao động quốc tế”, lần đầu tiên ngơ ngác tới sân bay Nội Bài thì cũng đã xác tín, cứu mình, cứu nhà rồi sẽ thêm phần cứu nước. Thật dễ hiểu khi thấy nghìn nghịt người đủ mọi loại xuất xứ chen vai thích cánh trước cửa “cục hợp tác” để mong cầm được tấm giấy phép đi ra nước ngoài mưu sinh kiếm việc.

Họ có thể là sinh viên đang dở dang đại học. Lại cũng có thể là công nhân ở một nhà máy hay là nông dân của một hợp tác xã nông nghiệp nào đó. Nhưng đông nhất, nhiều nhất vẫn là học sinh vừa thi xong trung học, là bộ đội vừa xuất ngũ. Ai nấy mặt mũi đều vất vả hân hoan khi nghĩ về tương lai. Bởi qua lời kể của một số người đi trước thì ở “thiên đường” Đông Âu, nơi tràn ngập những bàn là, những nồi áp suất và những chiếc xe đạp, xe máy giá rẻ, mọi người chắc chắn sẽ thay cơ đổi vận. Nên nhớ là ở lúc đó, chỉ cần dăm chục cái nồi kèm theo một cái xe đạp “fa vô rít” của Tiệp, là có thể đổi ngang sang được một căn phòng chung cư xinh xinh ở Kim Liên hay Trung Tự.

Tất nhiên, khi đã sang tới nơi, mọi chuyện bỗng không hề đơn giản. Nó cũng lầm lũi phức tạp giống hệt như bây giờ thôi. Đồng lương tuy có dư dật nhiều hơn trong nước, nhưng ướt đẫm nước mắt và mồ hôi. Khó khăn thứ nhất là ngoại ngữ, thứ hai là phải hoàn toàn đào tạo lại một tay nghề mới. Nhưng điều buồn tủi hơn là sự hụt hẫng của những thói quen văn hóa. Nhà thơ tha hương người Ý là Dante từng bảo “Miếng cơm nhà người nuốt vào đắng miệng. Ngưỡng cửa nhà người cao quá khó trèo qua”. 

Có lẽ vì thế mà những người đi “lao động xuất khẩu” (thuật ngữ này hình như bắt đầu vào khoảng những năm một chín tám mươi và thời thượng tồn tại đến hôm nay) đều khá thương nhau. Họ thành lập những hội đồng hương để tương trợ, nổi tiếng nhất là “hội” Nghệ Tĩnh hay Hải Phòng. Rất nhiều những mối tình trai gái cảm động đã hình thành nên thủy chung chồng vợ. Đương nhiên hiếm hoi cũng có người kết hôn với người nước ngoài, một điều giờ đây đã thành trào lưu rầm rộ. Thậm chí có những “ca” đầy kịch tính theo kiểu truyện ngắn lừng danh của nhà văn Nguyễn Công Hoan “thế là mợ nó đi Tây”.

Đồng lương đi xuất khẩu lao động tuy có dư dật nhiều hơn trong nước, nhưng ướt đẫm nước mắt và mồ hôi. Nhà thơ tha hương người Ý là Dante từng bảo “Miếng cơm nhà người nuốt vào đắng miệng. Ngưỡng cửa nhà người cao quá khó trèo qua”. 

Đó là phụ nữ, còn đám đàn ông thường may mắn “số đỏ” hơn. Thời đỉnh cao bao cấp, cứ nhìn các chàng vừa hết hạn lao động từ nước ngoài về là dễ dàng biết ngay.

Và vì nhiều lý do, hiếm hoi có người trốn lại sống bất hợp pháp. Tóc dài, quần loe, da nhờn nhợt trắng và túi áo sơ mi lấp lánh để vài tờ tiền chẵn. Bọn họ nửa mặc cảm nửa tự tin đi “tìm hiểu” ái tình, mặc kệ cái “đồn” mình chuẩn bị tấn công đã có “địch”.

Khá đông những thiếu nữ Hà thành ở những khu tần tảo vất vả kiểu như Minh Khai hay Phúc Tân… đã lưỡng lự liêu xiêu khi phải lựa chọn giữa người tình cũ vốn là một công nhân lương “ba cọc ba đồng” hay một sinh viên tốt nghiệp đang thất thểu kiếm việc làm, với một chàng vừa đi lao động từ Đông Âu về có của hồi môn lúc lắc vài thùng hàng. Cuối cùng, hầu hết các nàng đều chọn chàng có thùng.

Thời gian bóng câu qua cửa, thu nhập hôm nay của người lao động xuất khẩu đã dồi dào hơn xưa rất nhiều, hy vọng từ đó những hụt hẫng văn hóa thuộc những ngày cũ sẽ phôi pha bớt.