Văn điếu thời nhạt

ANTD.VN - Điếu văn là một thể loại dùng chữ khá đặc biệt có phong khí trang trọng bi ai, nhằm tỏ ý thương tiếc người vừa khuất. Theo các nhà từ điển học ngữ ngôn học hay tu từ học, thì đại loại nó là những câu hoặc những bài văn hàm súc, rất đắc dụng trong đám hiếu. 

Văn điếu thời nhạt ảnh 1Thỉnh thoảng lại có nghệ sĩ trong giới showbiz xuất hiện trên truyền hình kể chuyện buồn như đọc điếu văn

Ở ta, nó thường được đọc lúc tang lễ. Còn ở Tây, qua phim Hollywood chẳng hạn, người ta hay đọc lúc hạ huyệt. Về hình thức, nó không quá phức tạp, hao hao gần giống chiến thuật bóng đá ở giải V-league, chỉ loay hoay vài dạng quanh quẩn. Tuy đơn giản, nhưng văn điếu luôn có văn mẫu, mặc dầu chưa bao giờ được bộ đề thi đại học dùng.

Người viết văn điếu cũng luôn là người khác thường, nếu miễn cưỡng cũng có thể chia thành hai loại. Loại một là chuyên nghiệp, hiếm lắm, đa phần xuất xứ từ văn sĩ. Đương đại ở ta hình như chỉ còn có một ông, chức sắc cũng kha khá, tới mức có thể xin được tiêu chuẩn xe riêng. Cho dù theo lời ông, xe đấy khá nhếch nhác. Vì là điếu sĩ nên ông ít được mời tới đám hỷ. Có phải vậy chăng mà hôm rồi báo đưa ảnh ông đang cười xin tiền cho đồng nghiệp, thì sâu xa vẫn toát ra vẻ a dua buồn bã.

Loại hai đương nhiên nghiệp dư, văn điếu ở họ là lời bộc bạch than khóc đau lòng nhất thời, thiên về khẩu ngữ chân thành tuyệt lộ xót xa thống thiết. Ví như sau khi rời bàn tay rắn như thép đen ra khỏi cần cổ trắng muốt của người vợ chung thủy dịu dàng Desdemona, thì dũng tướng hay ghen vô minh can đảm Othello đã bật nức nở “Ôi con người xấu số, giờ đây sắc mặt em ra sao. Chao ôi, nhợt nhạt như chiếc áo lót của em. Rồi đây hai ta gặp nhau ngày phán quyết, sắc mặt này của em sẽ hắt linh hồn ta ra khỏi thiên đàng cho quỷ sứ nó vồ. Em ơi, sao người em giá lạnh, giá lạnh như lòng em trinh bạch”. Đoạn độc thoại nghẹn ngào của anh chàng da mầu trung thực nông nổi tự tay giết nhầm vợ mình này, từ rất lâu đã được vô số đàn ông đa cảm coi là mẫu mực của văn điếu. 

Còn ở ta, tương truyền khi danh sĩ Cao Bá Quát bị xử trảm, ông có chua chát tuyệt mệnh “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp. Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”. Chu Thần họ Cao là một trí thức khí tiết cuồn cuộn dầy chữ, sinh thời thỉnh thoảng ông cũng viết văn điếu cho bạn bè. Có điều, bài văn điếu tối giản này bỗng nhiên phóng khoáng “trần tục”, ngông nghênh phá cách bất cần khuôn sáo. Có lẽ đơn giản là Cao Bá Quát đã phúng cho Cao Bá Quát. Khi mình miễn cưỡng phải đau đớn thương tiếc cho chính mình, thì chẳng có người tử tế nào lại đi sử dụng văn mẫu.

Không hiểu sao trên mạng xã hội Facebook ở ngày nay, có nhiều quý ông, đặc biệt ở giới showbiz, tuy vui vẻ thành đạt trẻ trung vẫn thích sử dụng văn phong của một điếu sĩ.

Nhưng dù là sở hữu của quân tử Tây hay hiệp sĩ ta, dài dòng hay tối giản, chuyên nghiệp hay không chuyên thì phong khí bi ai của điếu văn vẫn là não nuột phảng phất một sự nuối tiếc tàn tạ. Vậy mà không hiểu sao trên mạng xã hội Facebook ở ngày nay, có nhiều quý ông, đặc biệt ở giới showbiz, tuy vui vẻ thành đạt trẻ trung vẫn thích sử dụng văn phong của một điếu sĩ. Than vãn nhiều quá, kể lể nhiều quá. Cho dù chẳng thấy trống giục gươm đưa, vợ vẫn ngoan, người tình vẫn đẹp. Nhất là khi được xuất hiện trên tivi để trả lời phỏng vấn, mặt họ bỗng bải hoải cô đơn như đang hoang mang một mình trong sa mạc. Còn lúc ra ngoài đường, tất thẩy đều có phong độ lâm li lầm lũi gần giống như nhạc công đang chơi nhạc hiếu. 

Nhiều người cho rằng thời nay đang là thời nhạt, mọi “tút” ở facebook hầu như đều vắng thiếu một sự trầm sự lắng sự sâu, những phẩm chất thường chỉ còn thấy đọng trong văn điếu. Điều này cũng chưa chắc. Bởi cách đây chừng ba trăm năm đã có một bài văn phúng, (không rõ có phải do một phụ nữ soạn không), chỉ biết nó đã được khắc vào bia. Nguyên văn như sau.

Ông này khi mới sinh ra.

Lọt lòng ông khóc oa oa.

Mỗi ngày ông một lớn tướng.

Dần dần ông trở về già.

Bây giờ ông hóa ra ma.

(Kho tàng chuyện tiếu lâm Việt Nam – Nhà xuất bản Văn học 1991).

Tin đọc nhiều