Trẻ phố thèm quê

ANTD.VN - Không khí Tết quê trong lời kể của con trẻ trở nên mê hoặc đối với một đứa trẻ ở thành phố. Đó là một không gian đầy những tiềm năng khám phá. 

Trẻ phố thèm quê ảnh 1Ảnh: LAM THANH

“Con thích gì nào?”. Thỉnh thoảng trong tư duy chiều chuộng con trẻ, bố mẹ vẫn buông ra một câu hỏi kiểu như vậy. Đứa trẻ sẽ làm bộ suy nghĩ. Khi nó sẽ bảo thích cái xe ô tô, thích con búp bê có bộ đồ trang điểm hoặc là đi công viên, hoặc là đi sở thú… Nhưng bỗng một ngày nào đó, vẫn câu hỏi cũ kỹ ấy, con bạn bỗng nhiên đáp lại: “Con thích được về quê chơi hè như các bạn con”. 

Và khó khăn thay, người tiếp nhận câu hỏi đó lại là những ông bố, bà mẹ sinh ra và lớn lên ở phố, nhiều đời ở phố. Quê trong sự biết của không ít cư dân thành thị của Hà Nội chỉ đâu đó ở vùng Sóc Sơn, Ba Vì… Vùng quê có những bạt ngàn núi rừng, trùng trùng màu xanh quanh năm lam lũ giờ đất đai cũng trở nên đắt đỏ khi người thành phố đua nhau về mua đất lập trang trại hay xây biệt thự. 

Dĩ nhiên, trong cuộc sống sôi động với tiện ích ngày càng được tối ưu hóa cho từng cá thể sở thích và nhu cầu, quê cũng không phải là một vùng đất bí mật, xa xăm của những đứa trẻ ở thành phố. Nó hiện lên trong những bộ phim lấy bối cảnh làng quê. Nó có trong những nét vẽ công nghiệp trong trang sách. Nó còn là những gì trẻ được tham gia trong những chuyến đi trải nghiệm về nông thôn. 

Nhưng quê đâu chỉ có thế. Một người chị của tôi từng kể, dịp gần Tết con chị cứ nằng nặc đòi về quê để ăn Tết như mấy bạn trong lớp. Không khí Tết quê trong lời kể của con trẻ trở nên mê hoặc đối với một đứa trẻ ở thành phố. Đó là một không gian đầy những tiềm năng khám phá. Thay vì úp mặt vào điện thoại hay màn hình vi tính, con sẽ biết được củ cà rốt hóa ra nó không phải là một cây cổ thụ đẻ ra nhiều củ con ở cành, hay cây thị không phải là một cây nhỏ xinh như cây ớt mẹ vẫn trồng trên tầng thượng… 

Trẻ phố thèm quê ảnh 2Tác giả Hồ Viết Thịnh

Đặc biệt hơn nữa, ở quê có ông bà ngoại hay ông bà nội. Trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, quê thì ông bà cũng phải quê cơ. Bà thì phải hôi hôi mùi trầu, ông thì cứ áo nâu luôn tay luôn chân ngoài vườn, có lúc ông bà có mùi gì lạ lắm… nhưng ông bà cực thương và chiều cháu. Cũng dễ hiểu thôi, lâu lắm ông bà mới được đón cháu về, tiếng con trẻ rộn ràng trong căn nhà vốn có quá nhiều tiếng thở dài của người già bỗng nhiên sôi động hẳn.  

Trẻ thành phố cũng có những trải nghiệm của riêng mình. Nhưng không gian chật hẹp, hiểm nguy luôn rình rập khiến cho sự trải nghiệm đó trở nên hạn chế hơn nhiều. 

Ở Hàn Quốc, diễn viên Song Il Kook (được biết đến với khán giả Việt Nam qua bộ phim Truyền thuyết Jumong) được coi là ông bố quốc dân của xứ sở Kim Chi. Năm 2008 anh kết hôn và tháng 3-2012, vợ anh sinh 3 thiên thần nhỏ là Daehan, Minguk, Manse. Sau khi tham gia Superman Returns, danh tiếng của 3 cậu nhóc ngày càng vang xa và Song Il Kook cũng trở thành ông bố quốc dân với những cách dạy con cực kỳ thông minh.

Ông bố ấy cũng có lúc yêu chiều con hết mực, nhưng cũng có lúc sử dụng hình phạt để dạy dỗ con. Mà thật kỳ lạ, tất cả những đứa con tinh nghịch ấy mỗi lần chịu hình phạt đều không có thái độ phản kháng. Nhưng tôi ấn tượng hơn ở cách dạy con của ông bố này đó chính là việc anh thường xuyên cho con về các vùng nông thôn. Ngoài việc cho con tiếp xúc, mở rộng sự hiểu biết của mình về thế giới nông thôn, qua đó anh còn muốn con biết được những thứ cha con họ ăn được làm ra thế nào. Điều mà chính anh, một cư dân thành thị cũng không hề biết. 

Có lần, trong một cuộc thi về nhan sắc để chọn ra người đẹp du lịch, một người đẹp sau này trở thành hoa hậu của một cuộc thi sau khi giới thiệu về chọi trâu Đồ Sơn đã nhận được câu hỏi của ban giám khảo: “Trâu khác nghé thế nào”. Sau một hồi suy nghĩ, cô tự tin nói: “Câu trả lời của em là em không có câu trả lời”. 

Thật ra ai cũng có những điểm mù kiến thức. Cô hoa hậu kia có thể đã nghe đến trâu và nghé nhiều rồi, nhưng có thể chưa ai chỉ cho cô con trâu, con nghé để biết được chúng khác biệt như thế nào. Thực tế sinh động bao giờ cũng dễ nhớ và hằn sâu hơn. 

Hôm qua, tôi ngồi ở một quán bia nhìn ra một cái hồ nhỏ của Hà Nội. Một đám trẻ  xuất hiện, chúng ngồi lên một khối sắt để chồng trên bờ hướng ra hồ, đôi chân nhỏ đung đưa và ánh mắt phóng nhìn ra xa. Tôi lại chợt nhớ đến tuổi thơ của tôi ở làng quê, tuổi thơ cũng có những lúc ngồi bên bờ sông và buông mắt nhìn xa đến vậy. Nhưng tôi cũng như trẻ em nông thôn khác với những đứa trẻ thành phố hôm nay, ánh mắt ấy không bị va với những dãy nhà cao tầng hay nhì nhằng dây điện, mà phía trước có thể là hàng đưng, hàng sú, là cánh cò trắng lượn bay…

Có ai đó từng nói, con người ở những nơi có không gian phóng khoáng thì tâm hồn cũng chợt nhiên rộng mở. Nếu chuyện đó có thật, thì không chỉ trẻ em thành phố mà tất cả cư dân đô thị đều là những người thiệt thòi trong dòng chảy đầy tiếng còi và khói xe hôm nay.

Không khí Tết quê trong lời kể của con trẻ trở nên mê hoặc đối với một đứa trẻ ở thành phố. Đó là một không gian đầy những tiềm năng khám phá. Thay vì úp mặt vào điện thoại hay màn hình vi tính, con sẽ biết được củ cà rốt hóa ra nó không phải là một cây cổ thụ đẻ ra nhiều củ con ở cành, hay cây thị không phải là một cây nhỏ xinh như cây ớt mẹ vẫn trồng trên tầng thượng…

Tin đọc nhiều