Trang phục và phụ kiện người giàu xưa

ANTD.VN - Trang phục của đàn ông giàu có ở Thăng Long xưa có điểm chung là “quần chùng áo dài”. Theo quan niệm của Nho giáo, quần dài đến mắt cá, áo dài đến nửa bàn tay sẽ giấu được những khiếm khuyết bên trong và cũng vì mặc lùng thùng nên khi đi, đứng, ngồi, họ luôn phải có những động tác kéo ống quần, kéo tay áo tạo ra phong cách của tầng lớp không phải lao động chân tay. 
     

Nón lá chỉ là thứ che nắng che mưa nhưng với phụ nữ quyền quý xưa thì nó còn là đồ trang điểm

Quần áo của đàn ông nhà giàu trong nhiều thế kỷ có thay đổi nhưng chậm, cơ bản  vẫn quần lụa trắng, áo dài, đi guốc hoặc đi giày vải. Thời Hậu Lê và thời Nguyễn, họ  mặc áo ngắn, cổ tròn bằng lụa trắng bên trong, ngoài khoác áo dài may bằng sa, xuyến hoặc băng (loại vải mỏng có độ bóng, đôi khi hoa được dệt chìm). Mùa đông mặc thêm áo bông cộc tay trần hình quả trám, bên trong bằng lụa hay gấm hoa.

Tuy nhiên, trang phục của quý bà, quý cô đất Thăng Long mới là đáng nói. Hóa ra, phụ nữ quyền quý trên thế  giới đều giống nhau, có khác chỉ ở kiểu cách. Phụ nữ nhà giàu Thăng Long rất chịu khó làm đẹp, điều này làm vừa mắt các ông chồng, còn thiên hạ thì biết họ ở thứ bậc nào và kinh đô Thăng Long thì duyên dáng hơn. Theo thời gian, trang phục và phụ kiện của quý bà, quý cô liên tục thay đổi. Từ váy trơn đến váy có nếp gấp, từ áo tứ thân đến áo năm thân, từ mớ ba đến mớ bẩy chuyển sang quần lĩnh, từ khăn lụa trơn sang khăn gấm mầu... Thế nên mới có câu thành ngữ: “Ăn Bắc, mặc Kinh” (ăn như người miền Bắc và mặc như người Kinh đô). 

Để đáp nhu cầu của các quý bà, quý cô, các làng dệt cũng phải sáng tạo ra các sản phẩm mới, điều đó đã thúc đẩy sản xuất phát triển. Thế kỷ XVIII, sản xuất ở Thăng Long phát triển, thêm nhiều mặt hàng thủ công ra đời. Ngoài lụa, còn có thêm the, lĩnh, lượt, là. Đây là điều kiện cho giới nhà giàu khoe mình. Các bà buôn bán mặc áo dài, thắt lưng đào còn đeo vào thắt lưng một bộ xà tích bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ, hình quả đào xinh xinh để đựng thuốc lào (đàn bà xưa ăn trầu thường thêm chút thuốc lào để má thêm hồng) và chùm chìa khóa.

Thời kỳ này, áo dài năm thân tay rộng, cài năm khuy là mốt của phụ nữ nhà giàu. Khi mặc, các bà, các cô chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ, khoe yếm cổ xây, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà, cao ba ngấn. Cái yếm của phụ nữ quyền quý bao giờ cũng có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình quả trám. Nếu yếm của phụ nữ bình dân ở thị thành là màu trắng, các cô làm nghề ca kỹ mặc yếm màu hoa đào (màu được cho là lẳng lơ, không đứng đắn) thì yếm của con gái nhà quan và nhà giàu có màu hồng. Ca dao Hà Nội đã chế giễu:

“Khăn nhung vấn tóc cho vừa

Đi giày mõm nhái, đeo hoa cánh bèo.

Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều

Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang”. 

Phụ nữ nhà giàu đứng tuổi thường mặc yếm cổ xẻ, tức là từ cổ yếm có 3 đường khâu xòe ra được gắn thêm các viên ngọc. Con gái dân thường đeo khuyên tai làm bằng thủy tinh nhưng con gái nhà quyền quý đeo khuyên tai và vòng xuyến bằng vàng hay bạc. Phụ nữ ở tầng lớp trên đều có những chiếc vòng vàng hoặc bạc rất lớn được đính những hạt ngọc trai cỡ hạt đậu. Có khi người ta xâu những viên ngọc này tạo thành sợi dài và quấn nhiều vòng quanh cổ. Chỉ có phụ nữ nhà giàu và vợ con quan mới được quyền để móng tay dài và móng nhuộm màu đỏ bằng lá móng. 

Cái nón với nhiều phụ nữ chỉ là thứ che nắng che mưa hay để giữ cho làn da không bị sạm nắng nhưng với phụ nữ quyền quý Hà Nội thì nó còn là đồ trang điểm. 

“Hà Nội thì kết quai tua

Có hai con bướm đậu vừa xung quanh

Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành

Ở giữa con bướm là hình ông trăng

Nón này em sắm đáng trăm

Ai trông cái nón Ba tầm cũng ưa”. 

Nơi làm ra cái nón này là làng Triều Khúc (nay là Tân Triều, huyện Thanh Trì). Khi xuất hiện gương soi thì thợ làm nón Triều Khúc còn gắn thêm cái gương nhỏ ở bên trong dưới chóp nón. Thỉnh thoảng các cô giơ nón ra soi gương xem dung nhan mình thế nào và cũng để làm duyên.

Với vợ và con gái quan, phụ nữ gia đình giàu có họ đi guốc gỗ sơn đen vểnh lên, phía mũi phần uốn cong được trang trí hoa văn. Chính nhờ đôi guốc này, phụ nữ có điệu bộ nhún nhẩy khi đi bộ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhờ giao thương với các nước, phụ nữ giàu có đi giày hài hở mũi rất nhọn và cong, kiểu dáng đó gọi là giày Mã Lai hoặc giày Cao Miên. Mùa đông họ quấn xà cạp bằng vải, nhưng để chừa các ngón chân.

Còn đàn ông nhà giàu thì đi dép hoặc giày không cổ của Tầu, loại giày đế to, mũi nhọn thậm chí cả những đôi giày không cổ của châu Âu. Quần áo đàn ông bình dân vẫn là áo dài năm thân bằng vải thâm, khuy tết nhưng đàn ông nhà giàu lại mặc áo sa trơn, khuy bạc, sang nữa là khuy ngọc.

Khi may quần áo nam, người thợ cả có thể đo chiều dài chiều rộng nhưng may váy, áo phụ nữ thì thợ cả không được chạm vào người họ. Nếu không theo mẫu váy áo cũ, thợ cả phải dùng mắt ước lượng, vì thế quý bà quý cô rất cẩn thận khi chọn nhà may, bởi đã may rồi mà không ưng ý thì không thể bắt đền. Không chỉ chọn thợ cả tài giỏi mà họ cũng phải chọn thợ khâu cũng phải khéo tay, mũi chỉ đều tăm tắp, thẳng hàng, nếu là khuy tết vải thì  khuy phải căng, chắc.

Theo thời gian, trang phục và phụ kiện của người giàu đã thay đổi, nhất là khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội. Ngày nay vẫn thấy trang phục và phụ kiện của người giàu xưa vẫn là mốt của các cụ bà cao tuổi. 

Tin đọc nhiều