Tình yêu lúc nào cũng sẵn

ANTD.VN - Sau đúng 9 năm kể từ khi Phạm Trung Tuyến được bạn đọc biết đến với cuốn sách đầu tay “Những câu chuyện trong đêm”. Mới đây, anh trở lại với bút danh “Lão Phạm” với tác phẩm “Sến” bàn về tình yêu.

Theo tác giả Lão Phạm, “Sến” là một từ mà tuy không rõ về khái niệm, nhưng mọi người thường dùng nó gắn với hàm ý cực đoan. Trả lời lý do tại sao anh lại đặt tên cuốn sách bàn về tình yêu là “Sến”, Lão Phạm hài hước đùa rằng: “Do tôi tiện tay”.

Một phút sau, như đã cho chính mình một khoảng lắng, anh mới chậm rãi trải lòng: “Tôi nhận thấy trong những câu chuyện mình viết, những quan niệm cực đoan không chỉ gặp gỡ nhau mà còn va đập, xung đột với nhau”.

Do đó, “Sến” là một cái tên kiệm lời, nhưng toàn diện để nói về tâm trạng cực đoan chất chứa mà chắc hẳn, bất cứ ai cũng từng vướng phải. Biết đâu, cái cực đoan ấy không hoàn toàn là tiêu cực, nó còn rất dễ thương, rất bản sắc”.

Ba dấu hoa thị mở ra một nút thắt

Nếu như 9 năm trước, bạn đọc khó tin những câu chuyện Lão Phạm viết ra là có thật, thì bây giờ, “Sến” là những câu chuyện mà mỗi người đọc có thể tin theo mỗi cách khác nhau. Thôi lý giải những nỗi đau người khác chia sẻ, Lão Phạm viết “Sến” như một hành trình kiếm tìm những lý do để mỉm cười với những khoảnh khắc nhói đau trong cuộc đời anh. 

Cuốn sách được chia làm 2 phần, phần 1: Tình yêu như thể một trò đùa; phần 2: Tình yêu vẫn thường nhầm lẫn. Mỗi phần là nhiều câu chuyện nhỏ, đan xen hài hòa giữa giễu nhại, thách thức, với suy tư sâu lắng, rưng rưng… Anh hy vọng, bạn đọc sẽ bất giác mỉm cười qua từng trang sách.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Lão Phạm lại không chú trọng nhiều tới kỹ thuật viết. Anh đơn thuần là một người kể chuyện. Các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, bóng dáng ngụ ngôn hay tân cổ tích, ví von trong “Sến” đều tùy hứng, ngẫu nhiên. Tác giả đặc biệt hứng thú khi nói về ngụ ngôn, theo anh: “Các nhân vật Tam Thể, Sóc Nâu, Đại Bàng, Quạ… vừa phù hợp với người trẻ thích ngẫm ngợi, vừa phù hợp với người già thích đùa cợt”.

Bất ngờ hơn, ngụ ngôn ấy có thể chuyển tải được nhiều thông điệp khác nhau, về “khoảnh khắc mà tình yêu thực sự xảy ra là điều ta không thể biết trước”, về “có nên bồng bột đuổi theo một đam mê nguy hiểm hay nuối tiếc mãi sau này”, hay “cảm giác bị bỏ rơi là điều tiêu cực nhất trong những điều tiêu cực”, “chỉ vì cô đơn mà yêu một ai đó, như thế là tội ác!”…

Điều thú vị, sau khi đọc chuyện thứ nhất, đọc chuyện thứ hai, bạn đọc sẽ dần quen với cách viết của Lão Phạm, háo hức chờ đến khi có dấu hoa thị xuất hiện. Trước dấu hoa thị là quan sát, trải nghiệm và câu chuyện, được Lão Phạm sáng tạo từ bao điều cũ và sự tích có sẵn hiển hiện bao tháng năm nay thành ngỡ ngàng mới.

Sau dấu hoa thị, các nhân vật “tôi”, “thầy tôi”, “bố tôi”, “nàng” lần lượt xuất hiện mở ra tri thức, kinh nghiệm, vốn sống. Thảng hoặc, họ bày tỏ quan điểm bằng lời nói, nét mặt, có khi bằng lặng im. Từ đó, câu chuyện phía trước là bối cảnh; các nhân vật phía sau là điểm nhấn độc đáo bày tỏ nhận định, góc nhìn.

Tình yêu lúc nào cũng sẵn ảnh 2Tác giả Phạm Trung Tuyến

Từ mất mát đến nhẹ nhàng

Những tình huống chuyện tác giả đề cập như một lăng kính đa cạnh, đa sắc màu. Mỗi tình huống, nhân vật “tôi” lại đặt ra một chuỗi các câu hỏi. Nhân vật “tôi” tưởng chừng đó toàn là những vấn đề nghiêm trọng. Sốt sắng, dâng trào, loay hoay. Thực tế đâu nghiêm trọng đến thế. Đôi khi, thực tế nhẹ nhàng hơn. Ví như, việc nắm tay một người phụ nữ một cách say đắm sẽ khiến người ta nhìn thấy tâm hồn mình; dù “rất tệ nếu nhận ra tâm hồn mình đen tối”, song “tệ hơn là nó trống rỗng hoàn toàn”.

“Sến” không nhiều màu hồng, “Sến” đôi khi lưng chừng, trăn trở, “Sến” có những cuộc giã từ, những người bỏ xứ, bỏ người mình thương mà đi mang theo nỗi nhớ vì không còn cách khác… Lão Phạm thản nhiên: “Bản chất của cuộc sống là mất mát. Hãy nhẹ nhàng. Tình yêu luôn có sẵn trong đời sống”. 

Vậy tình yêu từ những chi tiết quá đỗi bình thường, giản dị, liệu bao người kiên nhẫn nhìn ra để trân trọng? Anh hứa hẹn, đọc hết cuốn sách, dù mỗi người một cảm nhận, nhưng bất kỳ ai đều không còn tiêu cực mà sẽ tươi vui. Anh tiết lộ, lý do phần 2 của “Sến”, nhân vật “Phạm Sinh” và địa danh “làng Thổ Vong” xuất hiện nhiều lần không hẳn vì anh lười không muốn nghĩ thêm tên nhân vật mới, mà bởi đó là nhân vật và địa danh trong cuốn tiểu thuyết anh đang bắt tay vào viết. Anh mong người đọc dần quen thuộc, sẽ đón đợi cuốn tiểu thuyết của mình như đón nhận “Sến”.

Tin đọc nhiều