Tiêu tiền mừng tuổi

ANTD.VN - Tuỳ theo gia phong của mỗi gia đình Hà Nội mà người ta có những cách ứng xử với tiền mừng tuổi cho trẻ con mỗi nhà một khác. Bởi vì ở đất Kẻ Chợ không có nhiều tình làng nghĩa xóm hay họ hàng thân cận. 

Tiêu tiền mừng tuổi ảnh 1Xã hội phát triển đã làm cho việc mừng tuổi trẻ con bây giờ khác đi về căn bản ý nghĩa (Ảnh minh họa)

Việc mừng tuổi cho trẻ con ngày Tết đôi khi không còn là tình thân ruột thịt hay nghĩa láng giềng như ở làng. Nó có nhiều uẩn khúc đằng sau mà chỉ người lớn với nhau mới biết.

Quãng sáu chục năm trước ở Hà Nội gồm có hai kiểu thị dân: mới và cũ. Cũ là những người làm ăn buôn bán hoặc công chức chế độ cũ. Dĩ nhiên nền nếp sinh hoạt của họ vẫn theo lối cũ. Tết đến ăn mặc lịch sự đi chúc Tết bạn bè. Tuyệt đối không mang theo trẻ con. Bởi với họ hình như việc có trẻ con đi cùng cũng giống như một gợi ý cho chuyện bạn bè sẽ phải mừng tuổi. Thế nhưng trong túi họ bao giờ cũng giắt theo đủ cơ số tiền lẻ để mừng tuổi cho con cháu bạn bè nơi mình đến chúc Tết. Tiền mừng tuổi chỉ 1 hào, 2 hào. Hiếm khi mừng đến 5 hào. Lũ trẻ trai sẽ nhanh chóng biến số tiền mừng tuổi thành những dây pháo tép đì đẹt đốt trong mấy ngày Tết. Trẻ gái sẽ mua ô mai, táo dầm quà vặt hoặc vài quả bóng bay khi thổi màu phai ra đỏ loe loét cả hai bên má.

Thị dân mới là những người nhập cư vừa từ chiến khu về hoặc từ các miền quê ra Hà Nội làm việc. Tất nhiên sinh hoạt của họ còn mang nặng tập tục làng xã. Nhiều người trong số đó vẫn thường xuyên về quê ăn Tết. Số còn lại chơi bời thăm thú loanh quanh họ hàng trong phố. Đồng lương eo hẹp nên ngân sách dành cho việc mừng tuổi trẻ con cũng thật là chắt bóp.

Con cái trong gia đình họ cũng được giáo dục đức tính cần kiệm ngay từ nhỏ. Chúng không bao giờ phí phạm những đồng tiền được mừng tuổi dù rằng chẳng đáng là bao. Đứa thì mua vài quyển truyện để khi bước vào năm học có cái mà trao đổi với bạn bè cùng đọc. Có đứa dành tiền ấy mua ngòi bút, lọ mực, chiếc thước kẻ. Nhiều đứa đưa toàn bộ số tiền mừng tuổi cho mẹ lo việc chợ búa cơm nước hàng ngày.

Nếu như trước đây tiền mừng tuổi chỉ như món quà nhỏ tức thời động viên khen ngợi các cháu thì nay không hẳn là thế. Đôi khi tiền mừng tuổi là câu chuyện người lớn nói với nhau nhiều hơn. 

Mừng tuổi ngày Tết cho trẻ con là một phong tục lâu đời không hẳn là hay nhưng cũng không hề dở. Người đạo đức ngay ngắn lo sợ lũ trẻ sớm tiếp xúc và biết tiêu tiền sẽ có nguy cơ đến gần hơn với tệ nạn xã hội. Chuyện này bất cứ lúc nào họ cũng tìm ra được hàng tá dẫn chứng con người sự việc cụ thể.

Người khoáng hoạt thức thời lại có suy nghĩ ngược lại. Trẻ con cũng cần phải biết tiêu tiền để sớm có ý thức về của cải vật chất. Ngoan hay hư là chuyện khác chả có liên quan gì. Thế nhưng lũ trẻ là đối tượng trực tiếp thụ hưởng tiền mừng tuổi thì ít ai đặt cho chúng những câu hỏi đại loại như: “Được tiền mừng tuổi có thích không?”, hay “Con sẽ dùng tiền mừng tuổi vào việc gì?”. 

Xã hội phát triển lên trong vòng vài chục năm qua đã làm cho việc mừng tuổi trẻ con bây giờ khác đi về căn bản ý nghĩa. Nếu như trước đây tiền mừng tuổi chỉ như món quà nhỏ tức thời động viên khen ngợi các cháu thì nay không hẳn là thế. Đôi khi tiền mừng tuổi là câu chuyện người lớn nói với nhau nhiều hơn.

Đi xe ô tô sang trọng đến nhà bạn bè chúc Tết mà lại rút trong túi ra tập tiền mới mệnh giá 10 nghìn đồng để mừng tuổi cho trẻ con là điều chưa ai dám làm. Cọc cạch xe máy đi chúc Tết mà rút ra mừng tuổi trẻ con những tờ 500 nghìn cũng là việc hi hữu. Vậy là việc mừng tuổi trẻ con chỉ còn có ý nghĩa để đánh giá đẳng cấp của người lớn.

Tiền mừng tuổi giờ đây đơn thuần chỉ mang giá trị vật chất. Tiền xấu, tiền đẹp, mệnh giá to nhỏ không nói lên điều gì. Nhưng ngạc nhiên thay, người lớn vẫn vô tâm như xưa. Chẳng bao giờ hỏi lũ trẻ lấy vài câu dù rằng số tiền mừng tuổi của một đứa trẻ bây giờ đôi khi bằng cả một tháng lương cán bộ trung cấp.

Trẻ con bây giờ phần lớn được giáo dục theo cách để chúng không biết tiêu tiền. Trẻ con tiêu tiền đã dần trở thành mối lo ngại lớn của cả nhà trường và gia đình. Không chỉ đơn giản là chuyện hơn thiệt, đắt rẻ, đôi khi chúng còn mua phải cả những thứ độc hại ngoài đường.

Nhiều gia đình Hà Nội bây giờ thường mang tiền mừng tuổi của các cháu nhỏ đi gửi tiết kiệm. Đó là một cách. Không hay cũng chẳng dở nhưng dễ. Những đứa trẻ lớn hơn hầu như đã có ngay kế hoạch chi tiêu của mình.

Chúng có thể mua sắm quần áo, đồ chơi công nghệ và gần như đứa nào cũng nhăm nhe “lên đời” điện thoại di động. Nếu coi điện thoại di động như một món đồ chơi độc hại với trẻ con thì cũng chẳng có gì là sai. Chúng không chỉ tiêu tốn vào đấy tiền bạc mà còn cả thời gian và sức khỏe nữa. 

Tiêu tiền mừng tuổi có lẽ là việc người lớn nên đặc biệt quan tâm vào lúc này. Bởi đó không còn là khoản tiền nhỏ như xưa lũ trẻ có thể tự quyết định được mà không gây ra một hậu quả nào.

2-2018

Tin đọc nhiều