Tiếng Việt "thất thủ" ở Hà Nội

ANTD.VN - Trước tiên cần nói rõ rằng, bài viết này không nhắm đến việc đả kích cách phát âm của các địa phương, càng không nhắm đến cố tật nói ngọng của một số người. Người viết chỉ thắc mắc rằng, người Hà Nội xưa giờ không nói ngọng “l” với “n”, nói nhẹ nhàng không lẫn “r” với “d”, rành rọt dấu ngã với dấu hỏi, vậy mà sao nay giao tiếp thấy nhiều người “ngọng” thế?

Hà Nội xuất hiện mô hình quán cà phê 24/24 giờ, lúc nào cũng mở cửa niềm nở đón khách. Có quán còn kê cả sofa, phát chăn mỏng, để khách ngồi đêm có thể chợp mắt ấm áp đôi chút.

Cuối tuần vừa rồi, tôi dành một đêm trải nghiệm không gian ấy. Càng về khuya, khách lại càng đông, chủ yếu là các bạn trẻ. Thanh niên thì lúc nào cũng thế, ăn mặc thời thượng, mặt mũi sáng sủa, tóc tai chải chuốt, và luôn hơi “huếnh” lên một chút - cũng là lẽ bình thường của giai đoạn thừa mứa năng lượng nhất trong đời người.

Một nhóm bạn trẻ ngồi gần bàn tôi, sau khi gọi đồ uống, đồng loạt rút điện thoại ra lướt Facebook, rồi mới nói chuyện.

- Lói chung làm lào làm, ló như thế là đ* được. Mày cảm thấy không thoải mái thì giải tán nhanh khẩn trương. 

- Mày biết cái đ* gì. Lúc lào cũng sừng sực lên. Để ló giải thích xem thế lào đã. Để xem từ đầu dư lào.

- Chả dư lào. Thái độ nồi nõm gập ghềnh. Giãi tán không phải nghỉ!

Câu chuyện cứ thế diễn ra trong mịt mù khói thuốc. Dù tò mò dỏng tai lên nghe, tôi càng lúc càng không hiểu các bạn trẻ ấy nói gì. Họ không nói giọng Sài Gòn, Huế, hay những vùng có thổ âm nặng như Ba Vì, Sơn Tây, Quảng Nam…

Nhưng họ nhặt mỗi nơi một vài cách phát âm rất tiêu biểu để sử dụng trong câu. Nó thành một kiểu phát âm tổng hợp kỳ lạ, pha trộn trên nền chất giọng Hà Nội, mà không có cách lý giải nào khác là do cố tình. 

Tôi về hỏi mấy bạn trẻ thân quen, các bạn ấy bảo: “Vâng đúng rồi, có cái mốt nói ngọng đấy anh ạ, cho nó vui. Dân chơi trăm phần trăm là phải lói ngọng. Thế nó mới chất!”.

Đúng thế thật chăng? Hiện giờ trên mạng có trào lưu các “hảo hán” cởi trần trùng trục khoe hình xăm, tóc nhuộm vàng 1 chỏm, tay cầm điếu thuốc phì phèo, tay kia để móng dài thượt, vừa chỉ vào màn hình tự quay video clip, vừa chửi mắng xơi xơi. Chửi bất cứ ai, chửi bất cứ điều gì. Và ngọng thì ngọng líu ngọng lô. Thế rồi, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người like (thích), follow (theo dõi), share (chia sẻ), và hâm mộ, xem đó như điển hình tiên tiến và tiêu biểu của thế hệ.

Thực ra nếu ở dạng con chữ, thì tôi không lạ với cách diễn đạt này. Trên khắp cõi Facebook, người ta viết sai chính tả thả cửa. Mình thích thì mình sai thôi - một câu đùa phổ biến. 

Thậm chí, còn có cả trào lưu nói ngọng, nói nhái theo một giọng địa phương. Những con dân phố thị mười mươi, viết câu nào ra cũng “bẩm vưng”, “tau bẩu cái lày”, “uống riệu dồi” (uống rượu rồi), “coan lày náo” (con này láo), “dư lào” (như nào - như thế nào), “nhẻ” (nhỉ)… Ban đầu thấy lạ lạ, vui vui, nhưng đọc lâu thì lại thấy mất hay, thấy cảnh vẻ, thấy dởm.

Tiếng Việt "thất thủ" ở Hà Nội ảnh 1Thanh niên Hà Nội phải là những người đi đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt

Cách nói ấy của những bầm, những u ở quê, răng đen láy hạt na, gọi con gọi cháu vào ăn bát cơm cà, móm mém nhai trầu, duyên duyên vấn tóc, đồng quê gốc rạ hẳn hoi, thì đó là thứ đúng, thậm chí có thể xem là bản sắc. Thị dân cóp nhặt thổ âm, mang lên Facebook, nó cứ buồn buồn làm sao. Tôi về quê, không dám nhái giọng mà đùa với họ mạc ở quê như thế bao giờ. Họ mà nghe, chắc sẽ chạnh lòng, cho là mình cạnh khóe gì chăng…

Nói ngọng, nói nhại nhiều, thành quen, rồi dần dà không còn nhớ nói thế nào viết thế nào mới là đúng nữa. Mấy anh bạn tôi làm thư ký tòa soạn các báo điện tử, hàng ngày duyệt hàng trăm hàng nghìn ý kiến phản hồi của độc giả dưới các bài viết, nhận xét gọn lỏn rằng: “Sai chính tả nhiều lắm, xóa đi nhanh hơn sửa”. Bạn đọc báo điện tử, là người sở hữu 1 chiếc smart-phone, hay là dùng máy tính, tức đã có điều kiện tương đối tốt, có trình độ hiểu biết tương đối cao, mà viết một cái comment (lời nhận xét) còn sai chính tả be bét, thì khỏi cần hỏi tiếng Việt đi về đâu. 

Thất thế ngay trên đất nước của mình, ngay từ Thủ đô nghìn năm ăn nói, thì tiếng Việt còn biết đi về đâu bây giờ? Lại nhớ thi từ bất hủ trong bài “Tiếng Việt” của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi…”.

Tiếng Việt "thất thủ" ở Hà Nội ảnh 2

Nhà báo Phạm Gia Hiền

Tin đọc nhiều