Tế nhị không nghe, chả nhẽ nói vỗ mặt?

ANTD.VN - Sau mấy tháng nghiền ngẫm, tôi phát hiện ra là thuyết “cửa sổ vỡ” cũng rất đúng với Hà Nội mình, bác ạ.

- Có phải là cái lý thuyết của 2 ông người Mỹ về việc nếu một chiếc cửa sổ bị phá vỡ mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm, rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, và đó là nguyên nhân phát sinh tội phạm.

- Đúng rồi, nhưng tôi không định nói về tình hình tội phạm ở Hà Nội, mà thấy lý thuyết đó cũng đúng với tình hình… rác thải. Ngay như đống rác ở giữa khu phố nhà mình, trước làm gì có đâu, thế rồi xuất hiện túi rác đầu tiên, và sau vài tháng đã thành nơi tập kết rác công cộng. 

- Cũng không khó hiểu, vì dân mình ý thức cá nhân thì kém, nhưng tính a dua thì lại rất cao. Thấy người khác làm sai, mình “không nỡ” làm đúng vì sợ… thiếu công bằng. Không chỉ trong chuyện vứt rác đâu, đi đường hàng ngày thấy ngay, nếu có một người vượt đèn đỏ ở ngã tư không có cảnh sát giao thông, thế nào cũng có vài người khác phóng theo.  

- Nên biến những bãi rác tự phát ấy thành vườn hoa, khiến người nào định vứt rác cũng phải chùn tay.

- Nhiều nơi làm như vậy rồi, nhưng tôi không tin vào hiệu quả lắm. Có lần đi qua vườn hoa cuối phố, còn thấy nguyên cái vỏ chuối vương trên cành, trong khi chiếc thùng “Cho tôi xin rác” đặt ngay gần đó.

- Xem chừng các hành động tế nhị không phát huy tác dụng. Lẽ nào người Thủ đô văn minh như thế mà còn cần phải nói vỗ vào mặt mới hiểu mấy chuyện cỏn con?