Ở biệt thự có sướng không?

ANTD.VN - Nếu có một cuộc khảo sát về những người yêu Hà Nội, chắc chắn top đầu thuộc về những nhiếp ảnh gia thời đại kỹ thuật số thích hoài niệm, hoặc giả đau đáu “ghi chụp” lại một câu chuyện cổ tích đẹp, cuộc sống cũ Hà Nội. 

      Hình ảnh mùa thu thay lá bên biệt thự cổ khiến bất kỳ ai cũng hoài niệm về Hà Nội xưa (Ảnh: CAO ANH TUẤN)

Bản thân tôi cũng vậy, cứ nhìn thấy lá bàng đổi màu qua cửa sổ lại rưng rưng lùi lại 30 năm để được gối đầu lên đùi mẹ đang ngồi đan áo mùa đông và ngây ngô ngắm hàng cây bàng trụi lá trên phố Phùng Hưng. Nhà tôi trên gác 2 nhà Pháp cũ, 18 mét vuông, 3 thế hệ trong hỗn độn 72 nhân khẩu cả số nhà, chung một khu vệ sinh.

Tôi tin rằng những nhiếp ảnh gia trẻ yêu Hà Nội nhất có thể cũng không bao giờ hình dung nổi hàng người tuổi đời từ 5 đến 80 ngay ngắn khăn mặt vắt vai, tay chậu nhôm kẹp ngang hông, mồm ngậm bàn chải xếp hàng đợi đánh răng trong một căn biệt thự Pháp đầy hoài niệm rêu phong. 

Bẵng đi hơn hai thập kỷ tôi xa rời phố cổ, lạc lõng cảm xúc và trải nghiệm cũ. Có những ngôi biệt thự na ná tôi từng ở đang rệu rạo ngã. Gần đây nhất là trên phố Cửa Bắc, cũng loại “đẹp” thượng thừa. Ngôi biệt thự sập xuống không phải là điều bất ngờ. Những ai sống ở phố cổ Hà Nội đều rõ rằng, sập nhà là điều xấu nhất nhưng cũng là nguy cơ thường trực nhất.

Cách đây vài năm, đã có một vụ sập cả một góc ngôi nhà cổ ở phố Hàng Bạc. Tôi có đến nhà đó làm phóng sự 2 lần, một lần khi nó chưa sập và một lần sau khi nó sập. Lần đầu, bà cụ chủ nhà tiếp “mấy anh báo chí” với thái độ rất uể oải và chán chường, kiểu “lại quay phim chụp ảnh tham quan khảo sát đấy hả các anh?”.

Dẫn đi quay cái nhà nát be nát bét xong, bà cụ mời nước vối nóng. Lúc đó mới e dè hỏi chuyện cụ chủ về cái nhà. Cụ bảo, “ôi tiếp khách cũng đủ chết rồi. Tháng nào, tuần nào cũng dăm đoàn khách, trong nước có ngoài nước có, đến xin chụp ảnh, quay phim, gật gù bảo nhà đẹp lắm, quý lắm, cụ cố mà giữ nhé. Xong uống hết nửa bình nước vối của cụ, bảo ôi ngon thế, cái này là thảo dược đấy quý lắm, cụ cố mà uống. Xong về hết chả để lại gì cũng chả thấy quay lại”.

Nhà nằm trong diện xếp hạng bảo tồn, không được tự ý sửa chữa. Nhưng Nhà nước cũng chả cho tiền bảo dưỡng. Thành ra mỗi năm mỗi xuống cấp, vì nhà cũng mấy trăm tuổi rồi chứ ít ỏi gì đâu. Phần vì nhà chật, phần vì nát quá, ở nguy hiểm, nên con cái cụ đi thuê nhà ở ngoài cả. Còn có cụ ở với anh con út.

Hài hước ở chỗ, năm nào phường cũng gọi lên 2 bận. Bận thứ nhất là nhắc nhở cụ ở cái nhà thuộc diện di sản văn hóa, di tích lịch sử, không được tự ý sửa chữa. Bận thứ hai là tầm tháng bảy tháng tám âm, mùa mưa bão, thì bắt ký vào cam kết về an toàn mùa mưa bão gì đó.

Lần thứ hai tôi quay lại ngôi biệt thự cổ kia là để đưa tin lúc nó bị sạt mất nửa mái. May bà cụ không sao, nhận ra tôi, vẫn còn cười được. Thế thôi năm nay khỏi lên phường ký cam kết chú ạ, trong cái rủi có cái may, vẫn còn sống khỏe vả lại đỡ phải tiếp những đoàn khách thi nhau đến hỏi han. 

Hà Nội đang loay hoay với hàng nghìn ngôi nhà như thế. Khảo sát nhiều lần, để đánh giá xem là nhà cổ hay nhà cũ, trong diện bảo tồn hay không. Con số sau mỗi lần khảo sát cũng trồi sụt liên tục, có lúc hơn nghìn, lúc xuống đôi trăm.

Nhưng tóm lại là khảo sát xong thì vẫn phải chờ chứ đùng một cái tu bổ sao cho hết. Các cụ tính, nhà trên phố cổ, mỗi mét vuông mấy chục lượng vàng, bây giờ mà mua lại để bảo tồn thì tiền đâu ra, lại cũng chẳng thể nào bắt dân tự bỏ tiền tu bổ, nếu như họ không có.

Cuộc sống bên trong những ngôi nhà cổ Hà Nội (Ảnh: TRẦN HIẾU)

Biệt thự cổ cũng chả khác gì nhà cổ, đau đầu nhất là thời xa xưa, cán bộ được phân nhà rất đơn giản là cho một buồng biệt thự. Bây giờ biệt thự cổ từ thời Pháp dăm bảy hộ chia nhau “cát cứ”. Ở ngoài rêu mốc thế thôi, bên trong nội thất mới tinh như đàn bà đánh phấn quá tay, có nhà đóng cái đinh treo tranh lên tường mà sập cả mảng tường thành phần chính là vôi và rơm được ngăn vội thời “tiền chung cư”.

Sống lâu sinh con đàn cháu đống, thì phải cải tạo nhà cái đã. Nay cơi “chuồng cọp”, mai đập cái cột vướng víu giữa nhà, ngày kia đập móng nhà đi làm cái bể phốt... Nói chung, người ta phá từ trong phá ra, cái biệt thự như em gái nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, muốn nghỉ lắm rồi mà vẫn phải căng da mặt, phải bơm chỗ này độn chỗ kia, một hôm viêm họng đa nhiễm trùng ra đi thanh thản.

Trên phố Nguyễn Biểu có vài căn biệt thự đẹp, gần bên hông nhà thờ Cửa Bắc. Phố đấy, cùng với Hà Hồi, là 2 khu có nhiều biệt thự cổ còn nguyên vẹn và đẹp nhất Hà Nội. Bà cụ bán hàng thời xa xăm cũng đã là bậc phu nhân, các cụ cũng được phân một buồng khá rộng trên tầng 2 căn biệt thự ấy.

Cụ về hưu, vẽ vời bán hàng bán quán kiếm đồng ra đồng vào cho vui, chứ bán thì rẻ mà đồ thì quá ngon. Tôi ghé ăn nhiều thành quen, mới hỏi cụ có định bán cái buồng không, chắc được giá lắm. Cụ bảo, “đời tôi ở với một ông công chức có tên có tuổi, nên tôi hiểu lắm. Các ông ấy chỉ sợ người ta nhìn vào thôi, mà cũng chỉ cần người ta nhìn vào thôi”.

Chả hiểu cụ nói thế là ý gì, nhưng bây giờ cụ vẫn ở đấy, cụ ông thì mất năm kia rồi...

Tác giả Hoàng Minh Trí