Nữ trang ở phố

ANTĐ - Phụ nữ mà làm đẹp thì có nhiều cách và thường cách ưu tú nhất là dùng nữ trang. Không phải ngẫu nhiên mà các cửa hàng có gắn biển “jewellery” trên phố Hàng Bạc luôn tràn ngập các quý cô quý bà. 

Ở nơi ấy, người ta dễ dàng thấy những khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc của chị em. Họ nức nở tự ngắm nhau khi ướm thử dây chuyền vàng. Họ rưng rưng tự sướng cả tiếng đồng hồ trước gương khi uốn éo với mấy đôi bông tai ngọc mầu nước dưa. Họ kệ tay người tình hay gã chồng ngáp ngắn ngáp dài, gà gật xem báo vặt ở ngoài phòng chờ. Hầu như tất cả các thiếu nữ ở tuổi cập kê đều thăng hoa thành dịu dàng nhu thuận lúc người tình chân thành trao nhẫn. Có phải thế chăng mà ngay trong lần đầu tiên tán tỉnh Kiều, chàng Kim Trọng đã “Vội về thêm lấy của nhà. Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông”. Hình như lời tỏ tình đằm thắm bay bổng nhất thì bắt buộc phải được đặt trên đôi cánh nữ trang lấp lánh.

Nữ trang ở phố ảnh 1

Phố Hàng Bạc (1940-1941) qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Harrison Forman

Có phải vì thế mà chủ đề trang sức của phụ nữ luôn ám ảnh văn chương. Trong một truyện ngắn khét tiếng của mình, nhà văn vĩ đại người Pháp Maupassant có kể. Một viên công chức bình thường lấy được cô vợ trẻ. Hai vợ chồng tuy ít tiền nhưng cô vợ rất thích sắm đồ trang sức. Rồi trong một lần đi về nhà muộn cô bị cảm lạnh mất sớm, bỏ lại cho ông chồng buồn bã cả một hòm nữ trang mà ông ta rất ghét vì coi là đồ giả. Tới một ngày để đỡ ngứa mắt, ông chồng trong trắng cầm cái hòm “vớ vẩn” đấy đến cửa hiệu kim hoàn vừa  bán vừa vứt. Không ngờ những dây những vòng những chuỗi những lắc đó đều là đồ xịn, mang giá trị liên thành.

Viên công chức yêu vợ choáng váng tỉnh táo nghĩ lại, sâu xa tự biết rằng vợ mình từng đã ngoại tình, thậm chí chỉ là thứ gái bao cho đám chơi bời thượng lưu. Hòm nữ trang đấy đích thực là tiền “bo”. Ông ta “sốc” tới mức định nhảy lầu. Nhưng khi nghe chủ hiệu kim hoàn thông báo tổng giá tiền tỷ, viên công chức bồi hồi tỉnh. Ông ta nghẹn ngào nhận ra rằng, vợ ông hay tất cả những đàn bà có thói quen “jewellery” thật đáng kính. Chao ôi “nữ trang”, mày là cái gì mà không những làm đàn bà đổi thay mà còn làm đàn ông thay đổi.

Hà Nội thời bao cấp, hiếm hoi ít thấy đàn ông đeo trang sức. Một phần do ít tiền, một phần bị khinh là dị hợm. Đến hồi kinh tế thị trường dư dật, nhan nhản đông những tay khoe của đeo cái dây chuyền nặng cả lạng vàng ta. Còn phụ nữ thì thời nào cũng vậy, ngay cả lúc vất vả khó khăn nhất, bọn họ vẫn vòng vẫn chuỗi hạt. Tất nhiên đa phần là đồ mỹ ký. Thực ra “mỹ ký” không hẳn là đồ trang sức vô giá trị. Nó xuất xứ tử tế từ thời Pháp thuộc, ở một cửa hàng trên phố Hàng Bông, số 118. Bà chủ tên Khang, là vợ một ông Tây kỹ sư hóa chất. Đồ ở đấy tuy lóng lánh nhưng đều là thứ vàng hay bạc bị pha phách thành kém tuổi. Nó rẻ và đẹp. Ở những vũ hội chập choạng chiều muộn, nhiều thiếu phụ đeo nó trông vẫn sang lắm.

Bây giờ đồ mỹ ký bị các bà các cô, đặc biệt trong giới showbiz lên án gay gắt. Họ cho đấy là nguyên nhân chính gây ra tan vỡ tình yêu và hôn nhân. Có một người mẫu vừa ly hôn, trèo lên báo mạng tố cáo chồng cũ là đã tặng cô một nhẫn kim cương mỹ ký. Bởi từ sau hôm động phòng, cái nhẫn đó cứ xin xỉn đen đi.

Đại loại, nó có mầu gần giống lòng người hôm nay, nhờ nhờ bàng bạc.