Nói tục và văn chương kinh điển

ANTD.VN - Rất nhiều người lương thiện thuộc đủ mọi ngành nghề sống ở phố, từ lao động lam lũ, thật thà đến giới công chức mang vẻ trắng trẻo thanh thoát, thì gần quá nửa có một thói quen xem ra không hay lắm, đó là nói tục. 

Thậm chí sau nhiều năm nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, báo chí, UBND thành phố Hà Nội đã phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có điều khoản khuyên những người văn minh không nên nói tục. 

Bởi lẽ, nói tục mà tự nhiên tới mức vô thức thăng hoa thì rất dễ thành thô bạo văng tục. Hình như người Nam bộ còn gọi đấy là chửi thề. “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Văn Hành chủ biên định nghĩa: “Chửi thề là văng tục, xem như thói quen khi mở miệng”. 

Thực ra, mở miệng để nói tục là một thói quen vĩnh viễn cổ xưa rất chi bản thể luận. Giống như khi ăn thì miệng ai cũng đều hồn nhiên mở, chỉ có một số ít kẻ tha hóa đang xoay xở làm quan thì khi nuốt mới thường ngậm miệng, thành ngữ cũ kêu rằng “ngậm miệng ăn tiền”.

Và không hiểu sao đám người ăn được tiền này hầu hết đều không thích nói tục. Diễn văn diễn từ diễn thuyết của họ, giọng điệu thanh cao nhởn nhơ bay bướm. Những người bình thường nghe, bỗng thấy dễ chịu lâng lâng. Văng tục mà thành câu thành cú có đối có đáp, thì dân gian gọi là chửi nhau.

Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của Tiến sĩ Trần ngọc Thêm dày 670 trang in năm 1996, đã đem ra dạy các sinh viên khoa xã hội nhân văn, ở trang 320 có chép: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”.

Thế nhưng “chửi” có phải là đặc sản quá độc đáo của người Việt hay không thì còn phải bàn, bởi trong ca từ nhạc Rap của người da đen vẫn thấy nhan nhản, và trong văn chương kinh điển của người Tàu da vàng lại càng dễ thấy. 

Theo một khảo cứu nông nổi khuyết danh, trong các cuộc chiến tranh của người phương Đông khi dàn trận đánh nhau rất hay sử dụng một loại quân khá đặc biệt, đấy là những mạ thủ (người chửi). Mạ thủ thường chọn những người giọng tốt, ngữ điệu chắc chắn phải cong cớn, đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời tục tĩu kể lể xỉ mắng đối phương. Đại loại, lôi những chuyện hạ tiện thâm cung bí sử (tất nhiên có thêm thắt) của phía đối địch rồi cao giọng bêu riếu.

Bộ sử thi tiểu thuyết hoành tráng “Tam quốc diễn nghĩa” đã kể rất kỹ về cái kiểu đánh nhau như thế. Thậm chí không phải là quân mà chính ngay chủ tướng. Gia Cát võ hầu của nhà Thục đích thân đanh đá chửi chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy là một vụ điển hình.

“Chửi" không hẳn là một sự xả “xì trét”, mà ở khía cạnh nào đấy còn cao hơn, vì nó đã hiển lộ được cốt cách khí tiết của người sử dụng nó. Đại văn hào Trung Quốc quen cay đắng là Lỗ Tấn, lúc sinh thời từng bị công kích là “mạ thủ”. Tuyển tạp văn của ông bao gồm “Gào thét” cô phẫn “Bàng hoàng”, thậm chí u mặc bi thảm tới mức thở dài “Mà thôi”, bị đám chính nhân quân tử Tàu tự nhận thanh cao không bao giờ văng tục gọi là “văn tuyển chửi người”. Rồi cùng thời gian, nhân dân Trung Hoa đã cảm ơn ông, chính nhờ cái thứ “văn chửi” đó mà họ biết đau đớn tự vấn mình để dần dần hoàn thiện. 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng từng vinh danh một “người chửi” vĩ đại. “Mậu Ngọ (1378), An phủ sứ Lê Giác bị giặc bắt. Giác chửi giặc luôn mồm không thôi. Giặc giận giết chết. Việc tâu lên, truy phong Giác làm Mạ tặc trung vũ hầu. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Bỏ sống để giữ nghĩa còn hơn là sống. Cầu sống mà chịu nhục người quân tử không làm”. Cảm động thay những câu chửi từ các bậc trung thần nghĩa sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà hậu thế noi gương ông Giác, cứ mỗi khi nhỡ phải nhắc đến mấy thằng Việt gian bất trung bán nước, thì tất cả những người Việt lương thiện nào cũng đều bật văng tục.

Tục là chuyện thật nhiều người đã bàn, đặc biệt trong văn chương cũng rất hay được bàn. Văn mà chính khí thanh thoát cao nhã, lại được diễn tả bằng những chữ có vẻ tục, đa phần đều tới tầm kiệt tác. Ở ta, văn của ông Vũ Trọng Phụng là vậy. Thoại trong tiểu thuyết của ông có những câu chửi thề xuất sắc đến mức kinh điển. Chỉ xin lưu ý người đọc một điều nho nhỏ, ở ngoài đời ông Vũ nhã nhặn tận tình, hầu như chẳng bao giờ thấy ông nói tục.

Thoại trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có những câu chửi thề xuất sắc đến mức kinh điển. Chỉ xin lưu ý người đọc một điều nho nhỏ, ở ngoài đời ông Vũ nhã nhặn tận tình, hầu như chẳng bao giờ thấy ông nói tục.

Tin đọc nhiều